Thứ nhất, mục đích giáo dục
Để mở đầu, xin được trích dẫn những lời sắc bén của vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên Mori Arinori của Nhật Bản Minh Trị như một Tuyên ngôn cho ngành giáo dục của đất nước Phù Tang trước thềm cuộc Duy Tân vĩ đại 1868, như sau:
“Chiến tranh không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả các người Nhật phải được tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến này. Thua cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”.
Hai phần ba thế kỷ trước đó, vua Phổ sau khi thất trận trước Napoleon, đã hạ quyết tâm: “Chúng ta phải lấy sức mạnh trí tuệ để bù đắp những tổn thất về vật chất”. ĐH Berlin ra đời, sau này là ĐH Humboldt – “bà đỡ” của các trường đại học nghiên cứu hiện đại thế giới hôm nay. Park Chung Hee, ngày đầu tiên lên nắm quyền năm 1961, đã tuyên bố dứt khoát: “Hàn Quốc phải tiến hành ngay công nghiệp hoá!”. Lý Quang Diệu, ngay từ những năm lập quốc, đã khẳng định Singapore phải tiến “từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”. Những định hướng đó của các nhà lãnh đạo vĩ đại đã quyết định lên nội dung của nền giáo dục, không phải giáo dục chung chung tạo ra con người chung chung không phương hướng, mà là một nền giáo dục để thực hiện cuộc đi lên công nghiệp hoá bứt phá của dân tộc. Các lãnh đạo lớn, cũng như các nhà đổi mới sáng tạo lớn, đều có một điểm chung: tầm nhìn, vision, và “nghĩ khác” (Think different), như tiêu đề quảng cáo nổi tiếng của Apple.
Thứ hai, cách mạng công nghiệp thế giới
Nhìn từ tây sang đông: cuộc cách mạng công nghiệp, khởi đầu từ Anh quốc, rồi lan sang Pháp, Đức, Mỹ các thế kỷ 18, 19; đến Nhật Bản ở phương Đông thế kỷ 19. Tiếp theo, những thập niên cuối thế kỷ 20, bốn con rồng nhỏ ở châu Á xuất hiện: Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Và cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Trung Quốc vươn lên theo con đường công nghiệp hoá của thế giới. Tất cả các quốc gia này đều tiến hành công nghiệp hoá. Công nghiệp hoá, hay cách mạng công nghiệp là mệnh lệnh sống còn của các dân tộc bị tụt hậu. Vì chỉ bằng con đường đó, dân tộc mới lột xác và đổi đời.
Nước Đức đã tiến hành cải cách giáo dục và công nghiệp hoá ngay sau khi thua trận trước Napoleon năm 1806, vì quá lạc hậu. Năm 1870, Đức thắng lại Pháp để “trả mối thù xưa”, vì công nghiệp hoá của Đức khi đó đã bứt phá mạnh mẽ, vượt Anh lẫn Pháp nhiều mặt, có nền giáo dục trung tiểu học, đại học đều tiên tiến nhất theo mô hình cải cách của Wilhelm von Humboldt.
10 công ty công nghệ lớn nhất ở thung lũng Silicon chiếm một doanh số gần 600 tỷ USD. Một vùng đất rộng 4.000km2 và 2,5 triệu cư dân đã làm ra một doanh thu khủng. So với TPHCM: 2.000km2 và 10 triệu người, GDP 44 tỷ USD. Ảnh: TL.
Ở châu Á, Nhật Bản đã đánh thắng đội quân hùng mạnh của nhà Thanh chỉ sau 26 năm tiến hành công nghiệp hoá. Mười năm sau, họ tiến lên đánh bại đại quân Nga hoàng, chiếm trọn ngôi bá chủ ở Viễn đông. Do không cải cách, các vương triều Trung Hoa, và của Nga hoàng lần lượt sụp đổ.
Các thí dụ lịch sử vừa nêu cho thấy: các quốc gia tiến hành công nghiệp hoá đều có quốc phòng hùng mạnh và đất nước phồn vinh. Đó là những kịch bản diễn ra xung quanh cột mốc công nghiệp hoá. Hoặc tiến lên, hoặc bị đào thải.
Chúng ta đang ở đâu?
Đang ở vào thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Các công nghệ được gọi là exponential, tức có sức phát triển nhanh như hàm mũ, đang và sẽ định dạng thế giới trong tương lai, đồng thời có sức huỷ hoại (disruptive) rất lớn đối với tất cả những cái cũ. Người khổng lồ Kodak sau 100 năm chiếm thế thượng phong trên thị trường đã phải nhận kết cục phá sản năm 2012 trước các công nghệ mới. Các lực bứt phá sẽ đẩy các công ty (tăng trưởng) tuyến tính ra khỏi thị trường. Trong khi đó, nhiều công ty khởi nghiệp trong ga ra xe ở thung lũng Silicon phát triển nhanh chóng lên thành những công ty trị giá hàng tỷ đô la. Công ty dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến Airbnb, sau sáu năm khởi nghiệp, đã có giá trị trên thị trường chứng khoán 10 tỷ USD, cao hơn giá trị của Hyatt Hotels Corporation (8,4 tỷ USD), mà không phải xây một viên gạch nào! Công ty taxi Uber, sau bốn năm hoạt động, có trị giá lên đến 18 tỷ USD mà không phải đầu tư một chiếc xe hơi nào. Họ đã sử dụng các công nghệ có tính tăng theo hàm mũ. Công ty Cisco ước tính rằng giữa năm 2013 và 2020, mạng lưới Uber sẽ sinh ra 19.000 tỷ đô về giá trị (lợi ròng), lớn hơn GDP của kinh tế Mỹ!
Nếu đem so sánh danh sách Forbes 100 của hai thời kỳ, 1917 và 1987, khoảng cách thời gian 70 năm, người ta sẽ thấy rằng có đến 61 đại gia trong nhóm thứ nhất đã biến mất. Từ 500 công ty trong S&P 500 (Standard & Poor’s 500) của năm 1957, chỉ còn 74 công ty tồn tại trong danh sách năm 1997. Đó là sự “phá huỷ sáng tạo”. Các gã khổng lồ hôm nay không biết lúc nào mình có thể bị loại khỏi thị trường. Không có đế chế nào miễn nhiễm trước cơn sóng “phá huỷ sáng tạo” đang dâng lên từ các loại công nghệ hàm mũ. Đổi mới sáng tạo diễn ra bất ngờ, như sự đột biến gen, khó lường trước. Họ phải liên tục tự đổi mới sáng tạo từ bên trong, cũng như phải mua ngay các công ty khởi nghiệp mới để bổ sung thêm tri thức, tránh bị đào thải.
Đơn cử một số công nghệ tương lai này: ngành robot, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ nano, và công nghệ sinh học. Các nhà khoa học giải Nobel Hoá học năm 2016 đã chế tạo được những “chiếc xe Mercedes” – cỗ máy phân tử sinh học – mở ra nhiều triển vọng ứng dụng khôn lường, trong đó có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, khả năng sử dụng nó như transistor cho một máy tính đời mới có bộ nhớ vĩ đại và năng lực xử lý 100 tỷ lần cao hơn máy tính ngày nay!
Hiện nay, mười công ty công nghệ lớn nhất ở thung lũng Silicon, từ Apple, Hewlett-Packard, Google, Intel, Cisco Systems, Oracle… đến Facebook, chiếm một doanh số gần 600 tỷ đô la Mỹ! Một vùng đất rộng 4.000km2, và 2,5 triệu cư dân đã làm ra một doanh thu khủng. So với TP.HCM: 2.000km2, và 10 triệu người, và GDP 44 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, Samsung Việt Nam xuất khẩu những năm qua lên tới 20 tỷ đô la một năm, hoặc hơn, so sánh với doanh thu của cả ba ngành nông nghiệp, thuỷ sản và gia công may mặc của Việt Nam gộp lại chưa đầy 20 tỷ! Rõ ràng, công nghệ chính là yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm và là sức đẩy phản lực của nền kinh tế hiện đại.
Nói thêm một chút về sự phát triển theo hàm mũ bằng công nghệ mới. YouTube được thành lập năm 2005 bởi ba người sáng lập. Chưa đầy hai năm sau, công ty này được Google mua lại với giá 1,65 tỷ USD. Lúc chuyển nhượng, YouTube chỉ có 65 nhân viên, đa số là kỹ sư có kỹ năng cao. Điều đó có nghĩa rằng giá trị bình quân trên một đầu người của công ty là 25 triệu USD. Tháng 4.2012, Facebook mua lại Instagram, công ty khởi nghiệp với ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video miễn phí mới thành lập 15 tháng với giá 1 tỷ USD. Instagram có 13 nhân viên, tức giá trị bình quân trên một đầu người khoảng 77 triệu USD. Hai năm tiếp theo, Facebook mua tiếp WhatsApp, công ty phát triển ứng dụng nhắn tin di động đa nền tảng với giá 19 tỷ USD. Với 55 nhân viên, giá trị bình quân của công ty là 345 triệu USD một đầu người, một con số đáng kinh ngạc.