Vài năm trở lại đây, bệnh viện quận Thủ Đức nổi lên như điển hình thành công trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tại TP.HCM. Năm qua, mỗi ngày ở đây có hơn 5.000 lượt bệnh nhân khám. Thua một chút, mỗi ngày bệnh viện quận Bình Thạnh thu hút hơn 4.000 người đến khám và bệnh viện quận Tân Phú là hơn 3.000 người. Những con số này là nỗi mơ ước của không ít bệnh viện hàng đầu trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh bệnh viện tự chủ tài chính hiện nay. Nhưng có điều ở ba bệnh viện quận này giám đốc không phải là… giáo sư, tiến sĩ.
Thành công của các bệnh viện trên đến từ nhiều yếu tố, nhưng không thể không kể đến yếu tố người đứng đầu làm quản lý chuyên nghiệp, họ tập trung cho công tác điều hành bệnh viện, chứ không “đa đoan” làm cùng lúc nhiều việc khác nhau như không ít lãnh đạo các bệnh viện khác.
Tháng 6.2016, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng đề xuất ý tưởng thuê giám đốc điều hành (CEO) để quản lý bệnh viện, nhưng gần một năm rưỡi trôi qua, ý tưởng này cũng chỉ là ý tưởng, vì thế không ít bệnh viện công lập vẫn phát triển ì ạch theo kiểu “may nhờ, rủi chịu”.
Dù cỉ là tuyến quận, nhưng bệnh viện Thủ Đức có đủ chuyên khoa sâu, thu hút hơn 5.000 người đến khám mỗi ngày. Trong ảnh: ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại bệnh viện này.
Thời nay công việc ngày càng phát triển theo hướng “chuyên sâu”, “chuyên nghiệp”, người nào sắm vai đó, không còn sắm nhiều vai như trước. Nhưng ở không ít bệnh viện người lãnh đạo lại sắm nhiều vai, làm giám đốc kiêm thêm giảng dạy, chủ nhiệm bộ môn ở trường đại học y khoa, thậm chí có người còn hướng dẫn sinh viên hay bác sĩ làm đề tài nghiên cứu, như thế còn giờ đâu cho điều hành, quản lý?
Một số vụ việc lùm xùm tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM những năm qua ít nhiều đến từ thất bại trong khâu quản lý. Tại bệnh viện N., giám đốc nghỉ việc để lại số nợ hàng trăm tỷ đồng, mà sau hai năm cán bộ – nhân viên bệnh viện cày cục mới trả được hơn một nửa. Tại bệnh viện M., trong nhiệm kỳ làm việc của mình, người đứng đầu để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng về tài chính và y đức. Cả hai giám đốc bệnh viện này đều là các phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành, nhưng có lẽ điều này không giúp ích nhiều cho quản lý bệnh viện.
Làm quản lý nói chung và quản lý bệnh viện nói riêng không khác gì làm huấn luyện viên bóng đá. Cầu thủ giỏi chưa chắc trở thành huấn luyện viên giỏi. Huyền thoại như siêu sao Diego Maradona, nhưng khi treo giày làm huấn luyện viên, phải thất bại từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến câu lạc bộ. Nhưng nhiều năm qua, người ta vẫn thích xây dựng hình ảnh giám đốc bệnh viện phải là người có học hàm, học vị đầy mình!
Một bác sĩ (giấu tên), nguyên giám đốc một bệnh viện công lập, cho biết trước nay để quy hoạch giám đốc bệnh viện người ta thường chọn một bác sĩ trưởng khoa giỏi chuyên môn đề bạt làm trưởng phòng, rồi phó giám đốc, giám đốc. Khi nằm trong ban lãnh đạo, bác sĩ này sẽ được cho đi học quản lý, học xong và làm được việc thì người này đã đến tuổi nghỉ hưu. Cách làm đó vô hình trung làm bệnh viện mất đi một bác sĩ giỏi, nhưng lại có một lãnh đạo dở!
Tại nhiều nước phát triển, CEO bệnh viện được học hành bài bản trong trường chuyên nghiệp, ra trường chuyên làm nhiệm vụ điều hành cơ sở y tế và không nhất thiết phải là bác sĩ. Giúp đỡ họ là các giám đốc phụ trách chuyên môn (bác sĩ), tài chính, tổ chức, nhân sự.
Chủ trương thuê CEO được xem là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của nhiều bệnh viện công lập hoạt động không thành công, nhưng theo nhiều người, ý tưởng này chỉ thành công khi CEO được trao thực quyền trong điều hành.
Bác sĩ N., trưởng khoa ngoại của một bệnh viện lớn tại TP.HCM, chia sẻ: “Cách đây vài năm khi được cơ cấu tham gia lãnh đạo bệnh viện, tôi đã từ chối vì thấy rất khó làm việc với những ràng buộc về nhân sự, tổ chức hiện tại. Đơn cử, để hoạt động trôi chảy lãnh đạo phải được quyền thưởng, phạt, thậm chí sa thải nhân viên, nhưng điều này không thể có được ở bệnh viện công lập”.
Dĩ nhiên có những giám đốc bệnh viện công lập hiện tại điều hành cơ sở rất thành công, mang lại lợi ích thật sự cho người dân. Nhưng nhìn đi nhìn lại, phần lớn những người này chẳng phải là giáo sư, tiến sĩ, họ chỉ là bác sĩ thường hoặc có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2.
Tại bệnh viện quận Thủ Đức, từ một cơ sở èo uột với 200 người khám bệnh mỗi ngày vào năm 2007, sau mười năm dưới sự điều hành của giám đốc mới, con số này tăng lên 5.000. Bệnh viện có đủ các chuyên khoa sâu, đáp ứng mọi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. “Tiếng lành đồn xa” về năng lực của bệnh viện đến nỗi không chỉ người dân địa phương chung quanh, mà thậm chí người dân các tỉnh miền Tây hàng ngày cũng thuê xe lên khám, chữa bệnh.
Thành công này cũng bắt gặp ở bệnh viện quận 2 khi từ một bệnh viện “èo uột” 50 giường, gần như không người dân nào trong quận biết đến, nhưng chỉ sau năm năm dưới sự điều hành của lãnh đạo mới, bệnh viện đã “lột xác” vượt bậc trở thành bệnh viện cửa ngõ phía đông với 560 giường, và đang phấn đấu thành bệnh viện loại 1 trong năm 2018. Giám đốc bệnh viện này cũng chẳng phải giáo sư, tiến sĩ gì cao siêu, dù trước đây ông từng công tác tại đại học Y dược TP.HCM.