Dân Việt

Vinasun khó đòi Grab bồi thường 40 tỷ?

Hoài Thanh 11/03/2018 08:08 GMT+7
 Lợi nhuận sụt giảm của Vinasun do nhiều yếu tố: Cung cầu thị trường, sự lựa chọn của khách hàng, các đối thủ cạnh tranh khác và cũng có thể từ chính chất lượng dịch vụ của Vinasun.

Uber, Grab và taxi tranh giành thị trường Việt như thế nào? Vào Việt Nam năm 2014, Uber, Grab đã đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải trở nên khốc liệt, kịch tính, và lợi thế dường như đang thuộc về người đến sau.

Sáng 7.3 vừa qua, TAND TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại hơn 40 tỷ.

Theo quyết định tạm đình chỉ, tòa cho rằng cần phải đợi kết quả thu thập chứng cứ, tài liệu tại Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM và Bộ Giao thông Vận tải.

Trước đó, tại phiên xử ngày 7.2, HĐXX đã yêu cầu Vinasun bổ sung một số hồ sơ liên quan đến hai công ty nghiên cứu thị trường, đánh giá thiệt hại của Vinasun, sau khi có sự xuất hiện của GrabTaxi tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, HĐXX cũng yêu cầu GrabTaxi bổ sung danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý.

img

Vinasun là nguyên đơn trong vụ kiện đòi bồi thường hơn 40 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Thanh

Vụ kiện này thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Vinasun có thể đang "nhầm lẫn" về đối tượng kiện và vụ kiện này cũng đặt ra những vấn đề pháp lý, để hoàn thiện pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động hoặc loại hình kinh doanh mới xuất hiện ở Việt Nam.

Vinasun không dễ chứng minh thiệt hại

Theo luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), quy định của pháp luật Việt Nam, bên yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại phải chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, trong vụ kiến này Vinasun phải có nghĩa vụ chứng minh.

Cụ thể, bên nguyên đơn (Vinasun) cần phải chứng minh hành vi trái pháp luật của bị đơn (GrabTaxi), thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của bị đơn.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo (giảng viên khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết Bộ luật Dân sự 2015 không quy định bắt buộc phải có lỗi, tức là có hay không có lỗi vẫn có thể phải bồi thường. Trong trường hợp này, muốn được bồi thường, Vinasun phải chứng minh GrabTaxi có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền của mình và hành vi đó gây thiệt hại.

“Việc chứng minh này tất nhiên không dễ dàng, đòi hỏi phải thu thập nhiều chứng cứ. Tòa án sẽ xem xét, đánh giá để có quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận yêu cầu khởi kiện hay không và chấp nhận đến mức độ nào”, luật sư Vũ nêu quan điểm.

Thạc sĩ Phương Thảo cho rằng lợi nhuận sụt giảm của Vinasun do rất nhiều yếu tố: Cung cầu thị trường, sự lựa chọn của khách hàng, các đối thủ cạnh tranh khác (không phải chỉ có GrabTaxi) hoặc có thể bắt nguồn từ chính từ chất lượng dịch vụ của Vinasun.

Cần xem xét sự tương đồng với vụ kiện Uber

Theo diễn biến các phiên tòa trước khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, Vinasun chưa chứng minh được GrabTaxi có hành vi trái pháp luật. Con số mà Vinasun đưa ra cũng khó chứng minh là thiệt hại do GrabTaxi gây ra vì những lý do trên.

"Việc GrabTaxi có vi phạm đề án 24 không là chưa xác định được. Nhưng dù GrabTaxi vi phạm đề án thí điểm thì cũng chưa hẳn đó là nguyên nhân chính làm Vinasun sụt giảm thu nhập”, giảng viên khoa Luật Dân sự chia sẻ.

Do đó, theo thạc sĩ này, Vinasun khó có khả năng đòi được bồi thường con số hơn 40 tỷ đồng đưa ra.

img

Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, người đại diện của nguyên đơn tại tòa. Ảnh: Hoài Thanh

Về ý kiến cho rằng Vinasun đang “nhầm lẫn” về đối tượng khởi kiện, vì nếu không đồng ý về các văn bản cho phép GrabTaxi hoạt động thí điểm thì Vinasun cần kiện các Bộ ra Tòa án hành chính, luật sư Kiều Anh Vũ không đồng tình.

Luật sư Vũ cho rằng việc khởi kiện ai, xác định ai là bị đơn, đối tượng nào xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinasun thì do chính doanh nghiệp này lựa chọn trên cơ sở quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tất nhiên, việc khởi kiện phải có căn cứ và hợp pháp, phải chứng minh các điều kiện để được bồi thường thiệt hại theo luật định.

“Mặc dù không phải là tình tiết của vụ án này nhưng tôi cho rằng Tòa cũng cần tham khảo vụ kiện đối với Uber tại Tòa Công lý Châu Âu, với phán quyết theo hướng Uber cũng là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải; cần xem xét sự tương đồng trong vụ kiện để giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam”, vị luật sư nói thêm.