Đủ lý do mất đất
Cụ thể, trước sắp xếp, đổi mới, tổng diện tích ở các NLT là 4,1 triệu ha, nhưng sau khi sắp xếp lại chỉ còn 3,4 triệu ha. Phần lớn diện tích đất “hao hụt” đã bị người dân, thậm chí ngay cả một số NLT cũng tự… lấn chiếm, biến thành đất tư, còn các địa phương thì vô tư giao đất cho các tổ chức, cá nhân một cách tràn lan.
Nhiều diện tích đất nông, lâm trường bị người dân lấn chiếm để trồng cây lương thực. Ảnh chụp tại huyện Di Linh, Lâm Đồng. |
Theo ông Lê Văn Bách (Ban Chính sách về các tổ chức quản lý rừng - Tổng cục Lâm nghiệp): “Việc tranh chấp, lấn chiếm đất của NLT vẫn tiếp tục xảy ra, có nơi nghiêm trọng. Ở Đăk Lăk, Yên Bái… vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng cấp, giao đất của các NLT một cách tràn lan cho cá nhân”.
Mặt khác, cũng theo ông Bách: “Diện tích đất quy hoạch giao cho các công ty thường xuyên bị áp lực thu hồi với các lý do như trồng cao su và cây công nghiệp, định canh, định cư của địa phương”.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay cả nước đã có 51 tỉnh, thành, cùng các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt “Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển NLTQD”. Kết quả, từ 256 lâm trường, công ty lâm nghiệp, sau khi sắp xếp còn 136 công ty TNHH một thành viên, 14 công ty cổ phần, 36 ban quản lý rừng được thành lập và 14 NLTQD bị giải thể.
Theo ông Hà Sỹ Đồng- Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải: “Trước đây, chúng ta sắp xếp đổi mới các NLTQD thành ban quản lý rừng phòng hộ, nhưng không phát huy được hiệu quả, bởi các ban quản lý này vẫn hoạt động theo dạng bao cấp, mệnh lệnh hành chính, nên thực chất vẫn là “bình mới, rượu cũ”. Do vậy, cần phải chuyển đổi NLT thành công ty cổ phần hóa, khi đó rừng mới có chủ, mới có hiệu quả và lộ trình cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp cần được thực hiện từ nay đến năm 2015”.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng T.Ư Đảng) cho rằng có một thực trạng đáng báo động ở các NLT hiện nay, đó là việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng chưa hiệu quả. “Đất bị tranh chấp, lấn chiếm tiếp tục gia tăng so với trước khi sắp xếp với tổng diện tích lên đến gần 130.000ha, tăng 76.000ha. Phần lớn các lâm trường chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, hiện tượng chặt phá rừng vẫn diễn ra phổ biến” - ông Tiến bức xúc.
Bộ trưởng cũng trăn trở
“Tôi trăn trở với việc sắp xếp đổi mới các NLT mười mấy năm nay mà không xong. Thực tế, rừng mất nhiều nhất là ở các NLT, cháy rừng nhiều nhất cũng ở đây, chiếm tỷ lệ tới 70% số vụ cháy” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói về hiện trạng các NLT hiện nay.
Theo ông Phát, trước sắp xếp có 600-700 NLT, sau sắp xếp còn hơn 300 NLT, giữ khoảng trên 4 triệu ha đất, nhưng chúng ta vẫn đang rất loay hoay với việc này. Cho nên, phải thay đổi, sắp xếp lại NLT quyết liệt hơn.
Ông Hứa Đức Nhị - Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Cản trở lớn nhất trong việc sắp xếp đổi mới các NLTQD hiện nay chính là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá chậm và còn nhiều bất cập. Theo ông Lê Văn Bách: “Chúng ta cần giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho các công ty với quy mô phù hợp quy hoạch. Giai đoạn 2011-2015, đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với đất rừng sản xuất của các công ty lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh rừng trồng”.
Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) cho rằng: “Cần xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho ngành lâm nghiệp như miễn tiền sử dụng đất, miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất kể cả đầu tư khai thác, chế biến lâm sản; được chủ động tổ chức khai thác gỗ và lâm sản theo phương án quản lý rừng bền vững…”.
Lê Hân