Gieo chữ nơi “tận cùng thế giới”
Từ trung tâm hành chính huyện Tu Mơ Rông vào đến Trường THCS Ngọc Yêu khoảng 30km nhưng chúng tôi mất đến hai tiếng rưỡi để vượt qua những con dốc thẳng đứng và đèo uốn lượn quanh co vô cùng nguy hiểm.
Vào mùa mưa, quãng đường gần 7km là thách thức cho tất cả những ai muốn vào Ngọc Yêu, vì 3 năm trước, quãng đường này bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở, nay chỉ cần có mưa là có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Đến mùa nắng mới có thể chạy xe vào đến xã.
Vì thế, nói không ngoa, Trường THCS Ngọc Yêu được coi là nơi “tận cùng thế giới” bởi vừa xa xôi cách trở, vừa nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, là nỗi lo lắng tột cùng của các thầy cô giáo đang công tác vì sự nghiệp giáo dục tại đây.
Cả Trường THCS Ngọc Yêu có 17 thầy cô giáo và 206 học sinh người dân tộc Xê Đăng. Trong đó có 14 thầy cô được tăng cường từ nơi khác đến. Cô giáo Hoàng Thị Lý sinh ra và lớn lên tại huyện Đăk Tô, sau khi tốt nghiệp, cô tình nguyện vào Ngọc Yêu công tác. Sau mỗi buổi dạy học, nếu không phụ đạo cho các em học sinh yếu thì các thầy cô giáo nơi đây cũng chẳng biết làm gì ngoài việc soạn giáo án cho ngày mai và lấy chiếc ti vi làm bạn tri kỷ.
Cô Lý cho biết: “Mặc dù đã xác định tư tưởng vào dạy học nơi đây sẽ vô cùng khó khăn, vất vả nhưng thực tế ở đây vượt xa trí tưởng tượng của mình. Những ngày đầu vào công tác là những chuỗi ngày nước mắt chảy dài khi màn đêm buông xuống, cái cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân lại ùa về”.
Với những giáo viên trẻ chỉ khổ có chừng đấy, còn những giáo viên đã có gia đình riêng thì lại cả trăm bề khổ, vợ công tác một nơi, chồng công tác một nẻo. Đường xa đi lại khó khăn, đồng lương ít ỏi cộng với thời gian được nghỉ chỉ 2 ngày cuối tuần nên ít khi các thầy cô trở về thăm gia đình vào dịp cuối tuần.
Thầy Linh dạy môn lý, nhà ở dưới huyện Phước Thành (tỉnh Bình Định) lập gia đình cách đây gần 4 năm, đã có một cháu nhỏ, nhưng cũng vài tháng mới có thể tranh thủ xin nghỉ phép vài ngày về quê thăm vợ con. Cả năm chỉ có dịp nghỉ hè may ra mới được ở bên vợ con nhiều một chút.
Khổ cũng phải giữ con chữ
Theo thầy Võ Văn Cương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Yêu: Đối với các thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, ai vào đây cũng phải lắc đầu ngao ngán. Nghiệp vụ giảng dạy thì không có gì để lo lắng, nhưng việc sinh hoạt khó khăn, nay lại phải lo thêm chuyện sạt lở mỗi khi có mưa to gió lớn, đã làm cho các thầy cô rùng mình ớn lạnh.
Năm 2009, cơn bão đi qua làm sạt tuyến đường duy nhất nối với trung tâm huyện, các thầy cô giáo phải ở trong này cả mấy tháng trời. Sau khi thông đường, một số giáo viên nữ của trường và trường tiểu học đã bỏ công tác vì không chịu được hoàn cảnh khắc nghiệt ở đây.
Tuy nhiên, những giáo viên bám trụ còn lại rất kiên cường. Lý do họ ở lại cũng vì học sinh quá đam mê con chữ. Thầy giáo trẻ Mai Quốc Phượng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió, sau khi tốt nghiệp ĐHSP Đà Nẵng năm 2010, đã tình nguyện vào Ngọc Yêu công tác.
Thầy Phượng thành thật chia sẻ: “Thật sự điều kiện dạy học và sinh hoạt trong này quá khổ, nhiều khi tôi muốn bỏ ra ngoài phố. Nhưng khi thấy các em học rất hăng say, dù trời mưa to đến mấy, các em vẫn đội mưa đến trường vẫn là động lực để giáo viên chúng tôi tiếp tục gieo chữ ở vùng đất khó này”.
Thanh Bạch