Hôm qua, vovinam lần đầu tiên chính thức góp mặt tại SEA Games. Đó là môn võ của Việt Nam, tự hào lắm! Nhưng nhìn bằng con mắt công bằng, cái cách mà vovinam của chúng ta bước vào SEA Games không khác gì so với môn võ bạo tàn Tarung Derajat của nước bạn. Bạn đồng ý cho ta đưa môn võ của Việt Nam vào SEA Games để ta đồng ý với bạn về một môn thể thao mới của Indonesia cũng vào SEA Games. Chuyện này đã trở thành chuyện bình thường, chuyện đương nhiên của “ao làng” thể thao Đông Nam Á.
Và những cuộc trao đổi kiểu Đông Nam Á ấy đã khiến tỷ lệ “sinh đẻ” các môn thể thao mới nhanh một cách chóng mặt. Kỳ SEA Games nào cũng có môn mới, nước chủ nhà nào cũng phải sáng tạo ra môn thi đấu mới trước khi lo đến việc tổ chức một kỳ SEA Games cho hoàn hảo.
Năm nay, tại SEA Games 26, có tới 44 môn được đưa vào thi đấu. So với 28 môn của Olympic thì Đông Nam Á chúng ta đã “sinh đẻ” vượt kế hoạch tới 18 môn.
Ở Việt Nam, vì phải nuôi thêm các em do bố mẹ sinh đẻ vỡ kế hoạch mà nhiều đứa con lớn phải bỏ học, đi làm... Chuyện này cũng đúng nếu so với cái “gia đình” thể thao Đông Nam Á bây giờ. Các môn nằm trong hệ thống Olympic khó mà mơ mà được “học đại học” khi trong nhà mình lít nhít một đống em thơ. Nuôi các em đã tốn kém lắm rồi, tiền đâu cho anh chị học tiếp?
“Sinh đẻ vỡ kế hoạch” đúng là một vấn nạn của thể thao Đông Nam Á!
Tuấn Lệ