Dân Việt

“Bay” cùng lâm tặc: Phía sau là máu và nước mắt

15/11/2011 13:31 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện nay có trên 40 người đang bám vào những hiểm nguy đường rừng để nuôi sống gia đình bằng nghề “bay gỗ”. Đằng sau vài trăm nghìn đồng thu được từ mỗi chuyến “bay” có thể là nước mắt và sự đánh đổi sinh mạng...

Dao sắc và “chiến mã” đường rừng

Có 2 vật dụng không thể thiếu của dân đi “bay” là xe máy - mà phải là xe máy độ, và dao sắc. Tại một bữa nhậu với dân đi “bay”, tôi đã được các “chiến hữu” giới thiệu con dao nhọn rèn bằng thép đen lóng lánh và được mài sắc đến nỗi có thể cạo râu.

Đây là vật bất ly thân đối với mỗi lâm tặc khi hành nghề. Mỗi khi gặp lực lượng chức năng bất ngờ chặn đường, chỉ một cái vung tay ra sau là dây cột gỗ đứt tung, gỗ lăn hết xuống đường, tang vật không còn.

“Nó còn dùng để tranh chấp khi mua gỗ và dùng để tự vệ khi một mình với xe gỗ giữa rừng núi” - T bổ sung thêm và rút con dao của mình ra, ánh thép lóe lên sắc lạnh. Khách trong quán đưa mắt nhìn nhau rồi tính tiền bỏ đi mất dạng.

“Dân bay” tốn kém nhất là cho con “chiến mã” đường rừng. Đây chỉ là những chiếc xe Wave, Dream Trung Quốc bình thường nhưng có khả năng vượt qua những đoạn dốc dựng đứng lởm chởm đá, có độ bám đường cao và có thể chở đến 400kg.

Khi mua xe về, việc đầu tiên “dân bay” phải làm là nâng cấp. Nhông, sên, dĩa, vành và căm được thay mới cho phù hợp với việc đi rừng. Lốp xe phải đạt tiêu chuẩn bám chắc khi đường trơn và vượt qua được những dốc đá lởm chởm, chịu đựng tải trọng nặng.

Dàn chuyên chở, hệ thống giảm xóc phải được gia cố với những thanh sắt chắc chắn. Đặc biệt là chiếc đèn pha được độ chế với ánh sáng tương đương đèn pha ô tô để đảm bảo cho việc di chuyển ban đêm và phát hiện được lực lượng chức năng từ xa.

Do “đầu tư” một chiếc xe tốn kém như vậy nên mỗi khi bị cơ quan chức năng tịch thu, giới đi bay rất hậm hực. Vì tiếc của, dân “bay Nguyễn Tấn Đông (xã Phổ Ninh, Đức Phổ) từng kéo đồng bọn đến Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Khâm - Trang cướp lại xe máy và bị bắt giữ vào đêm 2.8.2011.

Trốn chạy khỏi sự vây bắt của lực lượng chức năng là suy nghĩ đầu tiên đối với dân chở gỗ. Lê Văn D nói rằng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần dùng dao cắt dây đẩy gỗ xuống đường để ngăn kiểm lâm rượt theo (và cũng để phi tang chứng cứ). D thường dẫn đầu “phi đội”, thấy D cắt dây, đẩy gỗ, quay đầu xe là “dân bay” phía sau đồng loạt làm theo, hiện trường ngổn ngang, lăn lóc gỗ. Ban đêm mà đuổi theo “dân bay” dễ bị vấp gỗ rơi chết như chơi.

Phía sau những chuyến “bay”

Hiện nay có trên 40 người đang bám vào những hiểm nguy đường rừng để nuôi sống gia đình bằng nghề “bay gỗ”, chủ yếu là dân các xã Phổ Ninh, Phổ Cường (Đức Phổ), Ba Trang, Ba Khâm (Ba Tơ). Sau những 300.000-400.000 đồng thu được từ một chuyến bay có thể là nước mắt.

Nguyễn Ngọc T cởi áo, xắn quần chỉ cho tôi xem những vết sẹo khắp người - hậu quả của những chuyến “bay gỗ”. Có những lần ngã khiến T phải nằm viện cả tháng trời. “Vào mùa mưa, việc té ngã xảy ra như cơm bữa vì đường rất trơn trượt. Nhưng đây cũng chính là mùa làm ăn của tụi tui vì mấy ông kiểm lâm ít tổ chức vây bắt hơn những ngày thường” – T nói.

Sau khi xuất viện với đa chấn thương trên cơ thể vì cú ngã xe vào đầu tháng 7.2011, Lê Văn D lại tiếp tục hành nghề. “Nếu không đi thì biết lấy cái gì nuôi sống ba đứa con? Rồi còn tiền sách vở, quần áo, học phí...” – D thở dài.

Lê Văn D tâm sự cũng muốn giải nghệ, nhưng: “Nghỉ “bay” thì cũng không biết làm nghề gì để có 300.000 – 500.000 đồng (một đêm đi bay), trong khi gia đình thì đang khó khăn...”.

Sau cú ngã vào cuối năm 2010, Nguyễn Văn Thừa (xã Phổ Ninh) buộc phải từ giã nghề “bay gỗ” vì tay và chân đều gãy. Những công việc nặng nhọc trong gia đình dồn lên đôi vai người vợ thường xuyên đau yếu.

Gia cảnh quá khó khăn nên đứa con lớn đang học THPT phải bỏ giữa chừng để vào TP.HCM bán mì gõ phụ giúp mẹ nuôi 3 em ăn học và người cha bị tàn tật. “Không biết liệu 3 đứa nhỏ còn đến trường được bao lâu?” – Thừa nghẹn ngào.

Để giảm nhẹ thương tật cho bản thân, “dân bay” thường chọn chở những khúc gỗ dài để chống đỡ mỗi khi té ngã. Và chính điều này đã gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau hơn hai năm đi bay, Nguyễn Quốc Vinh giải nghệ ở nhà làm phụ hồ chấp nhận khoản thu nhập ít ỏi, bấp bênh. 

“Đi bay có tiền nhưng lúc nào cũng lo sợ. Sợ té ngã tàn phế, thương tật; sợ cơ quan chức năng truy đuổi; sợ gây tai nạn cho người khác... Sống vậy khổ quá, làm phụ hồ còn hơn”.

Lâm tặc Nguyễn Ngọc T cũng đã nghỉ và đang xin vào làm công nhân tại Nhà máy Sản xuất gạch Tuynen ở Đức Phổ. “Làm nghề đó là chịu tiếng lâm tặc, phá rừng, không mấy ai có thiện cảm. Ba mươi mấy tuổi đầu mà tôi không có mảnh tình vắt vai vì cô nào cũng tránh. Tôi “rửa tay gác kiếm” đi làm công nhân để còn lập gia đình”.