Xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị
TP.Vĩnh Yên là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá của tỉnh Vĩnh Phúc, do đó khi xây dựng NTM ở TP.Vĩnh Yên phải gắn liền với phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và dịch vụ, đô thị…
TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã và đang phát triển hài hòa giữa đô thị và nông nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: V.T
Sau khi đi kiểm tra thực tế các tiêu chí NTM, đoàn thẩm tra kết quả xây dựng NTM của tỉnh đã kết luận xã Thanh Trù tiếp tục đạt các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong thời gian tới xã cần xây dựng nghị quyết, có kế hoạch cụ thể nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt về giao thông; trường học, thu nhập, hộ nghèo; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. |
Ông Lê Anh Tân – Phó Chủ tịch UBND TP.Vĩnh Yên cho biết, năm 2011 Vĩnh Yên có 2 xã tham gia xây dựng NTM đó là Định Trung và Thanh Trù. Khi đó, xuất phát điểm của 2 xã rất thấp, song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, đầu năm 2015 cả 2 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, TP.Vĩnh Yên đã huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân 2 xã để thực hiện chương trình. Còn nhớ, năm 2011 xã Thanh Trù xuất phát từ một xã thuần nông, đời sống của người dân chỉ trông vào vài sào ruộng và nghề sản xuất gạch ngói nên khi bắt tay vào xây dựng NTM xã gặp rất nhiều khó khăn.
Song từ nguồn kinh phí của tỉnh, thành phố, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền... Thanh Trù đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và cán đích trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2014 và chính thức được công nhận vào đầu năm 2015.
Tương tự, năm 2011 xã Định Trung bắt tay vào xây dựng NTM với vô vàn khó khăn. Bởi xã đã được UBND tỉnh thu hồi khoảng 30% đất nông nghiệp để triển khai các dự án, khó khăn về nguồn kinh phí, làm thế nào để có thể phát triển hài hòa giữa nông nghiệp và đô thị, là một bài toán luôn được lãnh đạo xã đặt ra.
Ông Hoàng Duy Hân – Bí thư xã Định Trung cho biết, để đẩy mạnh việc xây dựng NTM, xã đã tích cực huy động các nguồn lực, mặt khác chỉ đạo người dân đẩy mạnh sản xuất, do đó đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả như: Mô hình trồng ớt, bí xanh, dưa lê, cà chua ghép theo hướng sản xuất hàng hóa; mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ, chăn nuôi lợn…
“Nhờ đẩy mạnh sản xuất mà đời sống của người dân đã không ngừng được nâng lên và đóng góp ngược lại để xây dựng NTM. Theo đó, năm 2015 xã đã được UBND tỉnh công nhận về đích NTM. Và từ đó đến nay, xã luôn vận động người dân không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với phát triển đô thị, dịch vụ” – ông Hân chia sẻ.
Giữ vững và phát triển
Vừa qua, đoàn thẩm tra kết quả xây dựng NTM của tỉnh do đồng chí Phạm Đình Hùng - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh làm trưởng đoàn đã thẩm tra kết quả xây dựng NTM tại xã Thanh Trù.
Theo báo cáo của UBND xã Thanh Trù, năm 2014 xã Thanh Trù về đích NTM. Tổng nguồn lực xây dựng NTM đạt gần 57,5 tỷ đồng. Xã đã hoàn thành kế hoạch cứng hóa, sửa chữa đường giao thông với tổng chiều dài gần 26km; hệ thống thủy lợi thường xuyên được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; chấm dứt tình trạng sản xuất, đốt lò gạch thủ công; 7/7 thôn có nhà văn hóa với diện tích trung bình trên 500m2; trên địa bàn không có hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát...
Những ngày này về Thanh Trù không còn nhìn thấy cảnh những con đường đất mưa lầy, nắng bụi, những lò gạch ngói ngày đêm nhả khói đen kịt… mà thay vào đó là những con đường bê tông trải dài, với nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư nâng cấp. Hệ thống thiết chế văn hóa, với hàng loạt nhà văn hóa thôn, sân thể thao được quy hoạch, xây dựng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống của nhân dân…