Nhiều diện tích canh tác cho thu nhập cao
Theo ông Nguyễn Quang Đức - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, trong quá trình xây dựng NTM, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, năm 2017 kinh tế của Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Thương mại-dịch vụ chiếm 47,94%; công nghiệp-xây dựng chiếm 45,28%; nông nghiệp chỉ còn 6,78%. Tổng giá trị sản xuất thực hiện là 17.290 tỷ đồng, đạt 100,08% kế hoạch và tăng 10,38% so với năm 2016.
Nghề trồng phật thủ đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện Hoài Đức đạt trên 45 triệu đồng/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,52%, giảm 255 hộ so với năm 2016. |
"Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là điểm nổi bật trong xây dựng NTM của Hoài Đức, nhờ đó người dân có thu nhập tốt, góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn"-ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540ha, trong đó có nhiều diện tích cho thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/ha như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường, cam, táo, ổi tập trung tại các xã Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế... Đặc biệt, sản phẩm nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Ông Đức cho biết, toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 doanh nghiệp và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các vùng lân cận. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội... được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Không đánh mất bản sắc
Được biết, toàn TP.Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Trong kế hoạch phát triển chung của TP.Hà Nội, dự kiến thời gian tới thành phố đặt mục tiêu sẽ phát triển lên thành 15 quận. Một số huyện đang rà soát, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có huyện Hoài Đức.
Tại cuộc họp của UBND TP.Hà Nội đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc xây dựng huyện Hoài Đức thành quận trong tương lai là điều không phải bàn cãi. Vấn đề là phải làm thế nào để đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020 có tính khả thi và đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao cho Sở Nội vụ là đơn vị chủ trì xây dựng đề án, sau đó mời các sở, ngành đóng góp ý kiến. Đặc biệt, các cơ quan liên quan phải đánh giá đúng thực trạng của Hoài Đức hiện nay đã đạt những tiêu chí nào.
“Huyện Hoài Đức dù đã trở thành huyện NTM, nhưng vẫn còn “nợ” một số tiêu chí như xử lý môi trường, y tế, trường học vẫn chưa đạt chuẩn. Muốn thành quận thì huyện phải thúc đẩy hoàn thiện việc này”- Chủ tịch UBND thành phố nói.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, một trong những việc làm quan trọng nhất hiện nay là huyện Hoài Đức phải thuê tư vấn giỏi, kể cả là tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch tổng thể chung cho huyện.
“Thành phố sẵn sàng đầu tư cho huyện Hoài Đức trong việc thuê tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch thành quận. Dựa trên quy hoạch giao thông, quy hoạch phân khu, Hoài Đức mới xác định được hướng phát triển, xây dựng để trở thành quận theo đúng tiêu chí”- Chủ tịch thành phố nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi xây dựng thành quận, huyện Hoài Đức cần quan tâm đến vấn đề thể chế tại các xã, thị trấn; mô hình tổ chức hoạt động trong các đơn vị hành chính; phải cải thiện tư duy làm việc của nguồn nhân lực. Phần diện tích lúa còn lại trong tương lai cũng phải có hoạch định rõ ràng. Việc sản xuất nông nghiệp vẫn cần duy trì cùng với đô thị hiện đại.
Về kết nối hạ tầng, ông Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, Hoài Đức phải ưu tiên phát triển các thiết chế văn hóa, văn hóa xứ Đoài cần phải được gìn giữ, bảo tồn, không được đánh mất bản sắc.