Dân Việt

Nỗi đau Gạc Ma khơi nguồn cảm xúc cho "Đứng trước biển" ra đời

Minh Anh 14/03/2018 14:33 GMT+7
Sáng tác về biển đảo, về người chiến sĩ luôn là đề tài khơi gợi cảm xúc cho giới văn nghệ sĩ. "Đứng trước biển", trước nỗi đau của hải chiến Gạc Ma luôn khiến cho các văn nghệ sĩ trăn trở mỗi khi cầm bút.

Tâm hồn nghệ sĩ thường nhạy cảm trước cuộc sống, hơn nữa lại là cựu chiến binh K3, tỉnh đội Quảng Trị, chắc hẳn trong ông, hình ảnh đồng đội là những người chiến sĩ luôn thường trực. Có phải vì đó là ngọn nguồn để nhạc sĩ Phạm Quang Hiển viết những ca khúc về người lính, nhất là các chiến sĩ biên giới và hải đảo.

Video có sử dụng một số hình ảnh khai thác từ Internet

30 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988 – 2018) - sự mất mát, vết thương lịch sử gìn giữ biển đảo của Tổ quốc ta vẫn luôn cháy bỏng trong tâm khảm người Việt. Sự kiên Gạc Ma nhắc nhở chúng ta về 64 Anh Hùng Liệt sĩ đã anh dũng Hy Sinh thân mình, cùng đồng đội khẳng định chủ quyền biển đảo mà ông cha ta bao đời đã xác lập, gìn giữ. Sự kiện Gạc Ma cũng nhắc nhở chúng ta luôn cảnh giác trước họa xâm lăng. Và lớp lớp cháu con dân Việt luôn tiếp bước ông cha, luôn có những ngưới lính ngày đêm “Đứng trước biển”, để giữ yên bờ cõi, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. 

img

Nhạc sĩ Phạm Quang Hiển

Ca khúc “Đứng trước biển” ra đời từ những rung cảm thực từ trái tim của anh?

Trước tết Giáp Ngọ -2014 ý tưởng viết về Biển Đảo bất chợt xuất hiện. Tôi đã dành đề tài này trong dịp “khai bút đầu xuân”. Khi viết, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân hiên ngang trước sóng gió đại dương hiện lên, thực sự đã tạo cảm xúc đẻ tôi viết nên ca khúc “Đứng trước biển”.

Đặt bút viết, tôi không hề cảm thấy do dự hay áp lực gì mà đơn giản là tôi viết từ chính cảm xúc của trái tim mình.

Đây là bài hát ca ngợi về những người lính đảo nên chất anh hùng ca được khắc họa qua dáng đứng tự hào, đầy khí chất của anh Bộ Đội Cụ Hồ trước biển trời giàu đẹp của Tổ quốc, song cũng ẩn chứa đầy dông bão hòa quyện với nét nhạc trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương, người thân nơi hậu phương. 

Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính; đồng thời góp phần tạo nên truyền thống tốt đẹp của chiến sĩ Hải Quân  - Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Với “Đứng trước biển”, kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất?

- Ngày cuối tháng 5.2014, khi đang dự trại sáng tác Tam Đảo do Trung tâm văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức, tôi nhận được tin của nhạc sĩ Doãn Nguyên về kế hoạch thu thanh ca khúc  Đứng trước biển”, tôi rất vui vì ngày thu thanh cũng là lúc bế mạc trại sáng tác nên tôi đã kịp có mặt tại phòng thu của Đài TNVN ngay lúc các nghệ sĩ thu thanh. Cảm xúc lúc ấy thật vui và xúc động. Lúc ấy đúng vào thời điểm những ngày đầy sóng gió bởi sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Thực sự tôi cũng ngạc nhiên về dự cảm đã mách bảo tôi viết ca khúc về biển đảo của mình.

Cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nguyên, NSƯT Đăng Dương và Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã chắp cánh để “Đứng trước biển” của tôi đến được với người dân ở mọi miền Đất Nước; đặc biệt là các chiến sĩ đang căng mình trên biển chống xâm lăng, giữ vững biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!                                                 

Nhạc sĩ Phạm Quang Hiển sáng tác đa dạng ở mọi đề tài với một ngôn ngữ âm nhạc rất riêng: trữ tình, phóng khoáng những vẫn thấm đượm hồn quê. Nhắc tới ông, người yêu nhạc nhớ tới những ca khúc như: Nồng nàn biển, Đứng trước biển, Trở lại bến sông xưa... trong đó, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác như ca khúc: “Chợt hồn thu thảo” giải Nhì, Cuộc vận động sáng tác do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức 2014-2015;  Ca khúc “Thăm làng Sen” - Giải 3, Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đảng - Bác Hồ và đất nước, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng. Giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Tự hào Than - Khoáng sản Việt Nam” - 2016, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam trao tặng với bài “Chiều phố mỏ”.