Tại đại hội, ông Phạm Nhật Vượng gửi lời cảm ơn đến các cổ đông đã tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch HĐQT và đã luôn tin tưởng ủng hộ Vincom trong suốt thời gian qua.
Công ty CP Vincom cũng sẽ tiến hành đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vingroup). Mã cổ phiếu VIC sẽ là mã cổ phiếu thống nhất của Vingroup sau này. Theo kế hoạch dự kiến, đến giữa tháng 2.2012 cổ phiếu Vincom phát hành thêm cho mục đích sáp nhập sẽ được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Đại hội cổ đông bất thường năm 2011 của Công ty Cổ phần Vincom vào sáng 15.11 |
Đại hội cổ đông bất thường năm 2011 được tiến hành để xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về Phương án sáp nhập Công ty Cổ phần Vinpearl vào Công ty Cổ phần Vincom và các vấn đề có liên quan, cũng như thông qua Điều lệ mới của Công ty sau sáp nhập và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng Cổ đông.
Ban Lãnh đạo Công ty CP Vincom cho biết, nhằm chuẩn bị đầy đủ thế và lực, sẵn sàng cho sự phát triển mạnh và bền vững trong tương lai, đồng thời nhằm mục đích tạo ra những lợi ích tốt nhất cho các cổ đông trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về lợi ích và phương án sáp nhập doanh nghiệp, HĐQT Công ty đã đề xuất triển khai kế hoạch nhận sáp nhập Công ty CP Vinpearl vào Công ty CP Vincom.
Theo chiến lược đã định, Vingroup (Vincom sau khi đổi tên) sau sáp nhập sẽ phát triển dựa trên 4 nhóm thương hiệu chiến lược: Vincom (BĐS thương mại và Đô thị), Vinpearl (BĐS Du lịch – giải trí), Vincharm (Chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ), Vinmec (Dịch vụ y tế chất lượng cao).
Về quy mô, tầm vóc của Tập đoàn sau sáp nhập, các chuyên gia của Vingroup cho biết, sự kết hợp sức mạnh của 2 thương hiệu hàng đầu là Vincom và Vinpearl sẽ tạo nên một Tập đoàn BĐS có năng lực, sức cạnh tranh mới mang tầm khu vực.
Vingroup sẽ là tập đoàn BĐS – Du lịch tư nhân lớn nhất Việt Nam hoạt động toàn diện trên các lĩnh vực BĐS thương mại, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, sau sáp nhập, Vingroup sẽ tiếp tục triển khai các dự án của cả Vincom và Vinpearl hiện nay với quỹ đất rộng lớn và đắc địa tại các thành phố lớn và các địa danh du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Về năng lực tài chính, sau sáp nhập, Vingroup sẽ là doanh nghiệp BĐS – Du lịch có mức vốn hóa vào hàng lớn nhất thị trường, với mức vốn điều lệ gần 5.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 265 triệu USD) và mức vốn hóa khoảng 50.000 tỷ (tương đương khoảng 2,4 tỷ USD).
Năng lực tài chính của Vingroup cũng sẽ được củng cố bằng một cấu trúc vốn hiệu quả, với nguồn thu ổn định và ngày càng tăng trưởng từ danh mục sản phẩm BĐS đa dạng: căn hộ, biệt thự tại các dự án khu đô thị lớn và biệt thự nghỉ dưỡng tại các địa danh du lịch phát triển…
Ngoài ra, sức mạnh cộng hưởng của Vingroup sau sáp nhập sẽ còn gia tăng khả năng huy động hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước của Tập đoàn…
Về công tác quản trị doanh nghiệp, việc sáp nhập này sẽ thực sự tạo ra sức mạnh mới với mô hình tập trung trí tuệ, thống nhất chỉ đạo, điều hành và hội tụ tinh hoa.
Phú Cao