Từ trước đến nay, việc kẹp và cắt dây rốn trẻ sơ sinh luôn được bác sỹ và nữ hộ sinh thực hiện ngay sau khi em bé vừa lọt lòng mẹ. Cắt bỏ dây rốn được xem là một nghi thức kết thúc quá trình chuyển dạ và sinh con của sản phụ. Tuy nhiên, gần đây, rất nhiều bậc cha mẹ đã lựa chọn không cắt bỏ dây dây rốn sau khi em bé chào đời mà để tự nhiên cho đến khi em bé rụng rốn.
Phương pháp này được một số người ca ngợi là một lựa chọn "tự nhiên" với hàng loạt lợi ích như cung cấp cho trẻ thêm nguồn dinh dưỡng bổ sung, giúp bé có quá trình chuyển đổi môi trường sống từ tử cung sang thế giới thuận tự nhiên hơn.
Những người ủng hộ phương pháp sinh con thuận tự nhiên tin rằng trẻ sơ sinh sẽ bị căng thẳng nếu bị cắt bỏ dây rốn ngay sau khi chào đời. Họ muốn trẻ sơ sinh được bước vào thế giới một cách tự nhiên nhất và nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ nhau thai. Sau khi em bé và nhau thai được đưa ra, nhau thai sẽ được đặt trong một cái hộp và mang theo với đứa trẻ. Dây rốn sẽ được giữ cho đến khi rốn bé tự rụng. Quá trình này có thể mất tới 10 ngày.
Trào lưu liên sinh - sinh con thuận tự nhiên lần đầu xuất hiện vào năm 2008, ngay sau đó, các chuyên gia y tế đã nhanh chóng tiến hành thử nghiệm phương pháp sinh con này. Các bác sỹ sản phụ khoa của trường Cao đẳng Hoàng gia Anh đã cảnh cảnh báo về phương pháp này sau khi một số phụ nữ ở Anh lựa chọn sinh con thuận tự nhiên.
Một bác sỹ cho biết: "Nếu tiếp tục để lại nhau thai một khoảng thời gian sau khi sinh, nhau thai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và có thể lây lan sang trẻ sơ sinh. Dây rốn đặc biệt dễ bị nhiễm trùng vì dây rốn chứa máu. Trong vòng một thời gian ngắn sau khi sinh, khi nhau thai được đưa ra khỏi cơ thể người mẹ, trong nhau thai lúc đó không có lưu thông máu và các mô cơ bản đã chết chứ không còn chứa chất dinh dưỡng nữa".
Liên sinh - sinh con thuận tự nhiên được nhiều người ca ngợi là mang lại lợi ích kỳ diệu tuy nhiên hiện tại chưa có nghiên cứu nào cho thấy trào lưu này thực sự mang đến lợi ích cho sản phụ cũng như em bé.
Các bác sỹ chỉ khuyên sản phụ cho biết cắt rốn chậm từ 30 đến 60 giây sau khi sinh giúp truyền máu qua nhau thai đến trẻ sơ sinh từ đó làm giảm nguy cơ chảy máu não, tổn thương ruột. Đối với trẻ sinh đủ tháng bình thường việc cắt dây rốn chậm giúp bé có quá trình chuyển đổi chậm hơn, hệ hô hấp cũng hoàn thiện hơn.
Tiến sĩ sản phụ khoa Maria Mascola cho biết: “Cắt rốn chậm khoảng nửa phút sẽ giúp trẻ sơ sinh nhận được một lượng lớn máu giàu oxy qua dây rốn từ đó giúp giảm nguy cơ thiếu máu. Thiếu máu là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động tinh thần và thể chất của trẻ. Hiện có hơn 40% trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới gặp phải vấn đề này.
Việc cắt dây rốn muộn cũng sẽ có lợi cho trẻ sinh non, giúp gia tăng tế bào máu cần thiết và giảm nguy cơ xuất huyết cho trẻ sơ sinh. Viện quốc gia về chất lượng chăm sóc và điều trị của Vương quốc Anh (NICE) cùng với Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Quốc tế về sản phụ khoa (FIGO) cho phép các bác sĩ có thể trì hoãn quá trình kẹp dây rốn nhiều nhất 5 phút sau sinh.