Dân Việt

50 năm sau thảm sát Sơn Mỹ: Phủ màu xanh lên “vùng đất chết”

Công Xuân - Đức Ngọc 16/03/2018 06:25 GMT+7
Vùng đất Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) vốn được mệnh danh là “vùng đất chết”, bởi 50 năm trước, vào ngày 16.3.1968 lính Mỹ đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại nơi đây.

Chiến tranh đã để lại mảnh đất này nỗi đau xé lòng, nhưng vượt qua thương đau, bằng ý chí và nghị lực phi thường, sau 50 năm, những con người chịu nhiều mất mát, đau thương ở Sơn Mỹ đã chung tay xây dựng quê hương, phủ một màu xanh trù phú lên vùng đất đầy dấu tích lịch sử này.

Câu chuyện lịch sử bi thương

Chúng tôi đến Sơn Mỹ vào những ngày giữa tháng 3, khi người dân nơi đây đang tất bật cho ngày giỗ lớn nhất - ngày xảy ra vụ thảm sát. Nhìn khung cảnh yên bình với những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt, những mái nhà kiên cố mọc lên san sát, khó có thể tin được, cách đây 50 năm mảnh đất này đã từng phải gánh chịu nỗi đau thương đến tận cùng bởi đế quốc Mỹ gây ra.

img

Ông Đặng Ngọc Dũng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (giữa) kiểm tra chuông đồng mới được đưa về Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: C.X

Đã 50 năm trôi qua, nhưng dư âm vụ thảm sát Sơn Mỹ sáng 16.3.1968 là một ký ức kinh hoàng không chỉ với người dân Sơn Mỹ mà của tất cả những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nơi mà chỉ trong vòng bốn giờ, lính Mỹ đổ bộ bằng trực thăng, điên cuồng sục xạo từng gia đình, từng căn hầm và mọi ngóc gách để tìm và tiêu diệt người dân địa phương mà không vấp phải bất cứ một hành động phản kháng nào. 504 thường dân vô tội đã thiệt mạng trong vụ thảm sát kinh hoàng này, trong đó phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em. Ngôi làng Sơn Mỹ  thanh bình chỉ trong một buổi sáng đã chìm trong đau thương, tang tóc.

Bà Lê Thị Em ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) - một trong số những người sống sót ít ỏi trong cuộc thảm sát 50 năm trước, năm nay dù đã bước qua tuổi 85, hai chân đã yếu, đôi mắt đã mờ, nhưng khi nghe nhắc đến vụ thảm sát cách đây 50 năm, bà lại dậy lên cảm giác rùng mình. Bà bảo không muốn kể về cái ngày đau thương ấy dù trong tâm trí bà hình ảnh tang thương ấy chưa một ngày thôi nhói buốt.

“Sáng 16.3.1968, cũng bình thường như mọi ngày khác, hầu hết các gia đình đều đang ở nhà chuẩn bị cho một ngày lao động mới thì nghe tiếng pháo dồn dập kéo dài, một đoàn máy bay trực thăng HU-1A chở lính Mỹ đổ bộ xuống phía Tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Lính Mỹ xông vào xóm Thuận Yên, lùng sục khắp nơi và  bắn bất cứ người nào mà chúng gặp. Thấy vậy, tôi sợ quá kéo 2 con vội chạy xuống hầm trú ẩn. Tuy nhiên, bọn lính lục soát khắp các căn hầm và trong nhà có người còn sống lôi ra khỏi hầm, dồn lại thành từng nhóm rồi xả súng bắn vào. Lúc đó, tôi ngồi hàng phía sau sợ quá nên ôm con nằm bẹp xuống giữa đám người rối ngất lịm”- bà Em kể lại giây phút kinh hoàng với giọng run run, đứt quãng vì xúc động. Bà Em và con trai may mắn  sống sót do người chết quá nhiều, xác người khác chồng lên xác mẹ con bà.

Bà Nguyễn Thị Niệm (90 tuổi) ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê cũng là người sống sót sau vụ thảm sát này, ký ức đau thương vẫn còn trên khuôn mặt khắc khổ của bà mỗi khi nhắc lại quá khứ. “Lính Mỹ rời bỏ ngôi làng khi đã để lại la liệt xác chết trên cánh đồng, máu nhuộm đỏ những con mương, nhà cửa bị thiêu rụi, trâu bò bị giết sạch không còn gì cả. Trong vụ thảm sát đó, người thân của tôi cũng bị chúng giết, bắn bị thương và nhiều hộ gia đình bị giết hết không còn một ai… đau thương lắm” - bà Niệm xúc động cho hay.

img

Một góc làng quê Sơn Mỹ hôm nay. Ảnh: C.X

Sơn Mỹ ngày mới

Thấm thoắt cũng đã 50 năm trôi qua, từ một “vùng đất chết”, Sơn Mỹ giờ đây đã xanh thắm trở lại. Cuộc sống của người dân đang dần thay da đổi thịt, sự mất mát, đau thương giờ chỉ còn ẩn sâu trong ký ức của mỗi gia đình, mỗi con người và biến thành động lực xây dựng lại vùng quê trù phú như hôm nay. Trên con đường bê tông cắt qua những ngôi mộ tập thể từng là nỗi ám ảnh của nhiều người giờ đây là một cánh đồng xanh tươi, trù phú.

Ði lên từ vùng đất mang trong mình vết thương của sự tàn ác, nhưng đến nay quê hương Sơn Mỹ -Tịnh Khê đã có những bước khởi sắc đáng mừng. Với khí thế, thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn tiếp tục cống hiến công sức, tâm huyết của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Để chứng minh cho sự đổi thay và phát triển của Sơn Mỹ nói riêng và xã Tịnh Khê nói chung ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê đã đưa chúng tôi đi thăm các cánh đồng xanh tốt, những con đường bê tông, trường học, trạm y tế khang trang, những ngôi nhà bề thế… Chỉ tay về phía những ruộng lúa xanh mơn mởn, ông Thảo bày tỏ, vụ thảm sát năm ấy không thể đánh gục người dân quê tôi. Bằng đôi tay cần cù, chịu thương chịu khó, chúng tôi đã xây dựng lại quê hương từ đống tro tàn, đổ nát và tạo nên sức sống mới Sơn Mỹ.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho biết: “Trong những năm qua, bằng sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân xã nhà đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Kết  cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho việc kết nối lưu thông và đi lại của người dân. Trên các tuyến đường trục chính hầu như đã có điện chiếu sáng. Hệ thống kênh mương nội đồng được chính quyền đầu tư kiên cố hóa để dẫn nguồn nước tưới từ các kênh chính thủy lợi Thạch Nham đến đồng ruộng, việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương trở nên dễ dàng hơn. 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hệ thống trường lớp học các cấp từ mần non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Đời sống của người dân Sơn vì thế được nâng lên đáng kể. Năm 2015, xã Tịnh Khê được công nhận là xã nông thôn mới. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,4%”.