Dân Việt

Hãi hùng với trào lưu “đẻ thuận tự nhiên” tại nhà

Diệu Linh – Lý Tín 17/03/2018 06:00 GMT+7
Dư luận xã hội vô cùng bức xúc vì thông tin một số người chạy theo trào lưu “đẻ thuận tự nhiên” tại nhà, không tiêm vaccine, không đi bệnh viện hoặc chữa bệnh bằng mẹo dân gian, không được khoa học công nhận.

Tiến hóa… giật lùi

Sau vụ việc một bà mẹ ở Hưng Yên khoe đã đẻ thành công con “thuận tự nhiên” tại nhà, không cắt bánh nhau mà vẫn nối thông với bé qua dây rốn, chờ 7 ngày để rụng tự nhiên, dư luận lại ồn ào về vụ việc một sản phụ (được xem là ở TP.HCM) sinh con tại nhà theo phương pháp “thuận tự nhiên” đã tử vong.

img

  Sản phụ cần được sinh nở tại Bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và can thiệp khi có tai biến (ảnh minh họa). Ảnh: Diệu Linh

"Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM phối hợp công an và các cơ quan chức năng xử lý, đồng thời Bộ Y tế sẽ có công văn gửi Bộ TTTT, Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị xem xét, có hình thức xử lý đối với người đưa tin lên Facebook về hình thức “sinh con thuận tự nhiên” phản khoa học”.

Ông Nguyễn Đức Vinh - 
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã lên tiếng khẳng định đó chỉ là tin đồn. Theo ông Cường, qua rà soát, kiểm tra và xác minh, trên địa bàn phường Thảo Điền, quận 2 (TP.HCM) không có trường hợp nào mẹ và con tử vong vì sinh "thuận tự nhiên".

Công an quận 2 cho biết đã làm việc với UBND phường Thảo Điền, bệnh viện (BV) và nhiều nguồn khác nhau, cũng không ghi nhận được trường hợp nào. Đáng chú ý, theo công an quận 2, căn nhà ở đường số 2, phường Thảo Điền - được cho là địa chỉ sản phụ tử vong - lại là văn phòng Công ty CP Dinh dưỡng Mẹ và Bé.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin về phương pháp đẻ “thuận tự nhiên” được chia sẻ và khiến nhiều người kinh ngạc. Bộ Y tế lo ngại xu hướng này trở thành một trào lưu rộng rãi và khuyến cáo các bà mẹ không nên áp dụng sinh con tại nhà mà không có y bác sĩ hỗ trợ, không cắt dây rốn, không chích ngừa văcxin.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nêu quan điểm, sinh tự nhiên theo đúng nghĩa là sinh qua đường âm đạo khi tới đúng thời kỳ sinh sản nhưng cần có sự hỗ trợ y khoa. Sinh tự nhiên không có nghĩa là bà mẹ một mình tự sinh, tự xoay xở tại nhà như trào lưu “sinh thuận tự nhiên” do một cá nhân nào đó đưa lên mạng xã hội gần đây.

 “Chúng tôi kịch liệt phản đối trào lưu “sinh thuận tự nhiên” đang rầm rộ trên mạng vì phản khoa học và gây nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con. Bởi có những thai nhi nằm ngược, thai to hay mẹ không đủ sức để tự sinh thì cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế”- bác sĩ Nhi nói.

Đừng “tự nhiên” để rồi “tự chết”

Bác sĩ Nhi cũng phản bác quan điểm của trào lưu “sinh thuận tự nhiên” khi cho rằng không cần cắt dây rốn sau khi sinh mà đặt cạnh bánh nhau cho tự phân hủy, tự rụng rốn. Bác sĩ Nhi giải thích: “Đây là một dạng “liên sinh” - một dạng thực hành sinh con mà cha mẹ giữ nguyên dây rốn, không cắt bỏ và để bánh nhau tự phân hủy. Trào lưu này được áp dụng cho một số bà mẹ tự sinh ở nhà để giúp em bé dễ thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giảm stress, nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau.

Theo bác sĩ Nhi, “liên sinh” bắt đầu xuất hiện từ năm 1974 tại Mỹ và Úc. Theo đó, các bà mẹ chọn sinh con tại nhà, không cắt rốn và giữ bánh nhau như thế cho đến khi bánh nhau phân hủy và dây rốn rụng tự nhiên khỏi cơ thể đứa bé. Trào lưu này bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2008 từ một số bà mẹ ở Anh và dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới y học. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên cắt dây rốn của trẻ khi mới sinh được 1 - 3 phút sau khi xổ nhau. Trên thực tế, dây rốn, mô nhau chỉ là máu, khi sinh ra, nó không còn tuần hoàn nữa nên sẽ trở thành tế bào chết. Vì thế, giữ lâu sẽ gây ra nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

“Trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” được khởi xướng và lan truyền trong một bộ phận các bà mẹ tại Việt Nam, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé và đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé” – bác sĩ Nhi khẳng định.

Ông Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số CCIHP đang thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe mà mẹ trẻ em và dinh dưỡng tại Sơn La. Ông Thiên cho biết, từ trước đến nay, bà con người miền núi đẻ tại nhà khá nhiều, nhưng ít nhất vẫn phải có cô đỡ, bà đỡ truyền thống, bà mẹ, bà chị giúp thêm vòng trong vòng ngoài… Họ đẻ tại nhà vì không có nhiều lựa chọn, vì nhà trên núi, xa xôi, khó khăn vận chuyển sản phụ đi viện hoặc trạm y tế chứ không phải tình nguyện “đẻ tại nhà”.

Tại địa bàn của chương trình cũng có những trường hợp đẻ tại nhà do điều kiện bất khả kháng và đã có nguy hiểm đến cả mẹ và con, như một trường hợp chuyển dạ đẻ ở nhà nhưng đến 6 tiếng không đẻ được, gia đình mời y tế bản đến xem thì mới phát hiện thai có ngôi ngang, không thể chui ra qua đường âm đạo được và tiếp tục cố rặn để sinh tại nhà có thể bị vỡ tử cung, tử vong cả mẹ và con... Gia đình phải vội vàng chuyển sản phụ đi viện, rất may, cả mẹ và con đã được cứu sống.

Một trường hợp khác, cũng tại địa phương này, sau khi thai sổ, thì không sổ được rau thai và máu chảy rất nhiều, gia đình cũng phải vội vàng đưa sản phụ đi viện... Khoảng cách từ nhà ra đến bệnh viện huyện là hơn 20 km, và trường hợp này cũng may mắn thoát hiểm trong gang tấc... Chị em ở địa phương đã gọi đùa các bà mẹ này là những người anh hùng. Nhưng cũng từ đấy, chị em đã thực hiện tốt hơn việc đi đẻ tại cơ sở y tế và đẻ có người đỡ đẻ có kỹ năng, nghiệp vụ giúp đõ (nữ hộ sinh, cô đỡ người dân tộc thiểu số).

Trào lưu hoang đường

Ngoài việc “sinh thuận tự nhiên”, gần đây còn có trào lưu nuôi con thuần sữa mẹ, không tiêm vaccine phòng bệnh và mẹ mang thai chỉ nên ăn chay để hạn chế độc tố cho thai nhi. Vấn đề này, bác sĩ Nhi khẳng định là không đúng. Sữa mẹ có rất nhiều dinh dưỡng và nhiều dinh dưỡng sẽ tạo ra kháng thể cho trẻ sơ sinh. Việc cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu là rất tốt. Tuy nhiên, sữa mẹ không phải thần dược trị bách bệnh.

Theo bác sĩ Nhi, thời gian qua, tại Bệnh viện Từ Dũ đã xuất hiện rải rác một vài trường hợp từ chối các can thiệp có lợi cho trẻ ngay sau sinh như chích vitamin K1, vaccine ngừa lao, viêm gan siêu vi B với các lập luận “thuận theo tự nhiên” của các dòng thông tin không chính thống và không được khuyến cáo.

“Hàng trăm năm qua, các cá nhân, tổ chức y tế đã cố gắng tạo ra nhiều loại vaccine kháng thể cho trẻ sơ sinh với các bệnh như bạch hầu, sốt bại liệt... Đó là những bệnh mà kháng thể trẻ sơ sinh không tự chống lại được. Vì thế, các bà mẹ không nên nghe theo trào lưu này. Đối với vấn đề ăn chay, mặc dù ăn chay là tốt nhưng nhiều chất dinh dưỡng có trong động vật cần thiết cho thai nhi”- bác sĩ Nhi nói.

Trên trang web cá nhân P.H.N.L – người được coi là “tiên phong” tuyên truyền cho trào lưu sinh đẻ “thuận tự nhiên” - đã đăng nhiều thông tin về sinh đẻ thuận tự nhiên gây “sốc” như con vật sinh thế nào thì người cũng sinh vậy, không cần máy móc, hóa chất. Đồng thời, tài khoản này đưa ra lý luận khiến khoa học “choáng” như ngồi xổm đẻ dễ hơn chứ nằm ngửa xương chậu không nở được nên khó đẻ, phải can thiệp y học. Thậm chí, trang cá nhân này còn dẫn bài nói về việc sữa mẹ có thể làm tái tạo mô, khiến con trẻ bị cụt ngón tay có thể mọc ngón tay trở lại...

Dù những tư tưởng hoang đường này được tuyên truyền nhưng vẫn có khá nhiều các bà mẹ tán thưởng và hỏi về các phương pháp sinh nở “thuận tự nhiên” tại nhà, chữa bệnh cho trẻ… 

img

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Đừng tự tin một cách cẩu thả

Sinh con thuận tự nhiên có nguy cơ gây nguy hiểm cao cho cả sản phụ và trẻ sơ sinh, không phù hợp với quy định pháp luật. Việc sinh con phải đảm bảo an toàn tại các cơ sở khám chữa bệnh có giấy phép hoạt động, do các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thực hiện. Những người tuyên truyền hủ tục, phương pháp sinh con phản khoa học đều vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. Nếu người mẹ sinh con tại nhà mà khiến con tử vong cũng có thể khởi tố hình sự người mẹ vì tội vô ý làm chết người do tự tin thái quá, cẩu thả”.  

img

PGS-TS Nguyễn Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Kiểm tra thai nhi để phát hiện dị tật kịp thời

Phương pháp sinh nở hiện nay vẫn được áp dụng cho đa số các trường hợp là để các bà mẹ tự chuyển dạ, chứ không can thiệp. Nhưng các bà mẹ cần phải theo dõi thai sản định kỳ để phát hiện những bất thường của thai nhi và sức khỏe bà mẹ, tiêm phòng uốn ván. Khi các bà mẹ sinh, chúng tôi cũng tôn trọng các phương pháp tự nhiên như đẻ thường, cho da kề da, nuôi con bằng sữa mẹ, cho bú sớm… Tuy nhiên, các bà mẹ phải đến cơ sở y tế để bác sĩ, bà đỡ giám sát và can thiệp kịp thời các trường hợp đẻ khó. Nếu thai suy, mẹ kiệt sức thì phải mổ cấp cứu lấy thai gấp. 

img

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế): Lựa chọn thông minh thông tin trên mạng

Bộ Y tế khuyến cáo sản phụ nên đăng ký để được quản lý thai, sinh con tại các cơ sở y tế để được chăm sóc, tư vấn sau sinh cho sức khỏe bà mẹ và bé. Ngoài ra, người dân khi tham gia các trang mạng xã hội cần có sự lựa chọn thông minh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và với chính bản thân, sử dụng các thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn.