Lịch sử kinh tế Việt Nam ghi nhớ công lao của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người đã có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là Vị Thủ tướng 'kỹ trị".
Được bầu làm Thủ tướng vào tháng 9.1997, trong 9 năm làm người đứng đầu Chính phủ, mặc dù chịu “sức ép” rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và Thế giới, nhưng Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được rất nhiều, nói như nhiều thành viên Chính phủ và những người từng có dịp làm việc với ông, thì ông là một Thủ tướng “kỹ trị”.
Mặc dù Cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh được với đồng chí Võ Văn Kiệt”. Nhưng rõ ràng, tư tưởng “Nhà nước nhỏ- xã hội lớn” của người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt đã được Thủ tướng Phan Văn Khải cụ thể hóa trong nhiệm kỳ của mình.
Bản thân ông Võ Văn Kiệt cũng từng nhận xét về người kế nhiệm của mình rằng: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Khi nhậm chức, không có những lời “đao to, búa lớn” làm “nức lòng dân”, nhưng do là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.
“Người kiến trúc sư” này đã xây dựng những chính sách, hoạt động cải cách về thể chế kinh tế. Nổi bật là việc Chính phủ dưới thời ông Phan Văn Khải đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ 1.7.2006.
Là người từng có thời gian làm việc cùng Cố Thủ tướng, ông Phạm Minh Huân- Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xúc động cho biết, ông biết Cố Thủ tướng Phan Văn Khải từ khi Cố Thủ tướng còn là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước năm 1991 và may mắn có thời gian làm việc cùng Cố Thủ tướng tại Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước.
“Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người có đóng góp to lớn trong thời kỳ đầu đổi mới của đất nước. Bác từng có thời kỳ là Trưởng Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước. Ấn tượng với tôi, Bác là người được đào tạo bài bản ở Liên Xô nên, đồng thời là người đưa ra tư tưởng ủng hộ đổi mới triệt để”, ông Huân chia sẻ.
Đặc biệt, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH còn nhấn mạnh tới sự đóng góp của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong vấn đề tiền lương. Tư tưởng đổi mới triệt để của Bác trong Ban chỉ đạo tiền lương phải kể đến những quyết sách về đổi mới, cải cách tiền lương.
“Thời điểm Việt Nam vẫn trong thời kỳ bao cấp, ông Khải là người đưa ra quyết sách để chuyển giá lương sang cơ chế thị trường. Những trao đổi, kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô được bác chia sẻ khiến những cán bộ như chúng tôi thời đó rất ấn tượng và hào hứng. Những chính sách đổi mới này đươc ông vận dụng khéo léo phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội đất nước bấy giờ”, ông Huân nói.
Do đó, Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định: “Cố Thủ tướng là người gắn với thực tiễn đề hoạch định các chính sách quốc gia trong gia đoạn chuyển đổi”.
Cũng theo ông Huân, trong giai đoạn sau của đất nước, Cố Thủ tướng lại là người tiên phong ủng hộ tư tưởng hội nhập sâu sắc. “Là người kế thừa xuất sắc sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, phát huy tốt những dấu ấn quan trọng do các đời Thủ tướng khác để lại, nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng sự phát triển kinh tế đất nước lên một tầm cao mới là hội nhập tốt hơn, điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn”, ông Huân nói.
Minh chứng cho điều này, bất chấp những khủng hoảng tài chính châu Á, mà bắt nguồn từ Thái Lan năm 1997, Cố Thủ tướng đã dẫn dắt Việt Nam vượt khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo. Cụ thể, năm 2000, tốc độ trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm.
“Có thể nói, hai nhiệm kỳ của ông Khải chính là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất của đất nước. Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, vừa đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng”, ông Huân nhấn mạnh.