Minh chứng cho việc “trái đắng” mà người tiêu dùng nhận được từ Grab và Uber là dịp tết Nguyên đán vừa qua. Anh Trần Thanh, ngụ quận 12, TP.HCM, cho biết khoảng 13 giờ 30 phút ngày mùng 2 tết (17.2), anh đặt xe Uber BKS 51F-168.36 cho mẹ từ đường Lê Văn Khương tới đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, với mức giá 277.000 đồng. Tuy nhiên, tới nơi, tài xế yêu cầu phải trả 924.000 đồng, cao hơn ba lần mức giá ban đầu. Thắc mắc, tài xế cho biết đây là mức phụ thu mà công ty áp dụng dịp tết, được tính trên đồng hồ của xe, chứ không phải trên ứng dụng đặt xe (!?). Tương tự, theo chị Nguyễn Thị Minh, ngụ quận Thủ Đức, những ngày tết, chị đặt xe Grab, dù vẫn trả phí theo đúng mức giá hiển thị trên ứng dụng, nhưng mức này cũng tăng gấp nhiều lần ngày thường. Chiều mùng 3 tết (18.2), chị Minh đặt GrabCar đi từ đường Ngô Chí Quốc, quận Thủ Đức, tới đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, phải chịu phí 450.000 đồng, so ngày thường chỉ từ 150.000 – 165.000 đồng.
Tài xế GrabBike và UberMoto đang chờ khách ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ảnh: M.P
Grab lý giải, tại một số khu vực và thời điểm di chuyển, việc giá cước có thay đổi là do “nhu cầu tăng cao của khách hàng”. Vậy thực tế có phải nhu cầu đi lại trong dịp tết của khách tăng? Xin trả lời là không hề nếu không muốn nói là giảm, vì đường sá TP.HCM vắng tanh. Vậy tại sao giá Uber và Grab tăng cao đến khó tin như vậy, nhưng nhiều người vẫn cắn răng đi? Đó là vì taxi truyền thống hết xe, do số lượng taxi truyền thống ngày càng giảm trước sự bành trướng của Grab và Uber; kế đến vì cái tết trước Grab và Uber không tăng giá cao, đã đẩy taxi truyền thống vào cảnh ế ẩm nên tết này nhiều taxi truyền thống nản không đăng ký chạy tết, mà chọn về quê ăn tết.
Đã đến lúc các hãng taxi công nghệ phải minh bạch hoạt động thực chất của mình. Người dân “quá hiểu” taxi công nghệ không chỉ là kinh doanh công nghệ, mà là kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ kết nối người có nhu cầu đi lại với người có phương tiện. Trong đó, các hãng công nghệ quyết định toàn bộ, từ giá cước đến mức khuyến mãi; chỉ định tài xế; áp mức chiết khấu họ “ký” trực tiếp với các tài xế, chứ chẳng có hợp đồng với hợp tác xã vận tải nào cả...
Cạnh tranh phải lành mạnh, người tiêu dùng mới được hưởng “món ngon” dài dài; còn bằng không người tiêu dùng sẽ chỉ nhận được quả đắng khi một kẻ ôm thế “độc quyền” xuất hiện.