Dân Việt

4 MiG-29K là đủ để “tiễn” tàu sân bay Mỹ, Nga có khoác loác?

Gia Bảo 18/03/2018 12:31 GMT+7
Chỉ cần 4 máy bay MiG-29K là đủ để hạ gục một chiếc tàu sân bay trị giá vài tỷ USD của Mỹ, nghe thật khó tin. Thế nhưng, với việc MiG-29K mang theo “cái chết siêu thanh” thì Hải quân Mỹ nên lo lắng đi là vừa.

img

Với việc chính thức triển khai tiêm kích hạm MiG-29K trên tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc Kuznetsov, giới chuyên gia quân sự Nga tự tin cho rằng, chỉ cần 4 chiếc MiG-29K trang bị 8 đạn tên lửa Kh-31A là đủ khả năng hạ gục tàu sân bay đối phương ở khoảng cách 160km. Nguồn ảnh: Ain

img

Mặc dù tuyên bố có phần "hơi ngông", thế nhưng việc Nga tích hợp thành công tên lửa chống hạm Kh-31A lên tiêm kích hạm MiG-29K thì điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Nguồn ảnh: Ain

img

Dù cho tên lửa Kh-31A không phải là dòng vũ khí mới, nhưng biến thể nâng cấp tích hợp trên MiG-29K được tuyên bố là sở hữu "sức mạnh mới". Gia tốc quá tải của tên lửa chịu được khi phóng lên tới 10G và tốc độ bay được nâng lên Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh). Nguồn ảnh: Vitaly-Kuzmin

img

Kh-31A là phiên bản sử dụng cho nhiệm vụ chống tàu mặt nước dòng tên lửa không đối đất/đối hải đa nhiệm Kh-31 (NATO gọi là AS-17 Krypton) được thiết kế và đưa vào sử dụng từ cuối thời kỳ Liên Xô. Nó được coi là tên lửa chống hạm mang phóng từ máy bay chiến đấu chiến thuật đầu tiên trên thế giới đạt được vận tốc siêu âm. Nguồn ảnh: Bastion-Kapenko

img

Để đạt được vận tốc siêu âm khiến nó được mệnh danh là "cái chết siêu thanh", Kh-31A được thiết kế với động cơ 2 tầng đẩy. Khi phóng, một tên lửa phụ nhiên liệu rắn trong cánh sẽ giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 1.8 và các động cơ tách ra khỏi thân tên lửa. Sau đó, 4 khe hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng sẽ trở thành buồng đốt của một động cơ ramjet (phản lực tĩnh siêu âm) sử dụng nhiên liệu dầu lửa, động cơ này sẽ khiến tên lửa vượt vận tốc Mach 4

img

Với tốc độ khủng khiếp như vậy, các hệ thống phòng thủ trên tàu chiến Mỹ, gồm cả Aegis và các tên lửa đánh chặn SM-2 hay SM-6 tiên tiến cũng khó lòng đánh trả kịp. Có thể, họ có thể bắn hạ một quả, nhưng 4 chiếc MiG-29K mang phóng đồng thời 8 tên lửa thì khó mà xoay xở kịp. Mà thường thì khi tác chiến đối hải, người Nga vốn ưa thích “chiến thuật bầy sói” thay vì “đơn thương độc mã”. Nguồn ảnh: Topwar

img

Kh-31A có tầm phóng khoảng 50km, tuy nhiên phiên bản AM trang bị trong giai đoạn 2005-2006 đã nâng tầm bắn lên tới 140-160km. Có lẽ MiG-29K sử dụng bản AM vốn có tầm bắn tăng lên, trọng lượng mang phóng nhỏ hơn cũng như cải tiến ngòi nổ, radar tự dẫn. Nguồn ảnh: aviadejavu

img

Mỗi máy bay MiG-29K mang tối đa 2 đạn Kh-31A, chúng lắp đầu đạn nặng khoảng 94kg - hơi nhẹ nhưng với vận tốc Mach 4 thì sức công phá khi lao vào tàu địch sẽ được nhân lên gấp bội. Có thể 8 quả đạn này chưa thể đánh chìm được một tàu sân bay 10 vạn tấn, nhưng là đủ để khiến các hàng không mẫu hạm khổng lồ mất khả năng chiến đấu. Nguồn ảnh: Wikipedia

img

MiG-29K là mẫu tiêm kích hạm đa năng mới nhất được trang bị cho Không quân Hải quân Nga, mà trực tiếp là đơn vị không quân hoạt động trên tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc Kuznetsov. Chúng được dự kiến trong tương lai gần sẽ thay thế toàn bộ vai trò của các máy bay Su-33 già nua và đến lúc nghỉ hưu. Nguồn ảnh: Airlines.net

img

Hải quân Nga đã đặt hàng ít nhất 24 chiếc MiG-29K vào cuối năm 2009 và bắt đầu nhận bàn giao vào năm 2010. Tới tháng 8.2011, MiG và Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục ký thêm một hợp đồng khác mua 24 chiếc nữa. Tháng 10.2016, lần đầu tiên Nga triển khai MiG-29K cho nhiệm vụ chiến đấu tại Syria và được đánh giá là thành công dù một chiếc gặp nạn ở Địa Trung Hải khi đang trở lại tàu sân bay Kuznetsov. Nguồn ảnh: Airlines.net

img

Dù thiết kế trên nền tảng mẫu tiêm kích thế hệ 4 MiG-29, nhưng nhờ được tích hợp hàng loạt công nghệ mới khiến người ta xếp MiG-29K vào thế hệ 4,5 - tương đương với dòng Su-35 dù khả năng mang vác vũ khí và tầm bay kém hơn. Thật vậy, dẫu mang hình hài MiG-29 cũ nhưng bên trong "ruột" MiG-29K thay mới hoàn toàn với động cơ tiết kiệm nhiên liệu, radar và cảm biến quang - điện mới và nhất là nâng cao khả năng mang vác vũ khí cũng như tích hợp các dòng tên lửa mới. Nguồn ảnh: Airlines.net

img

MiG-29K trang bị cặp động cơ turbofan RD-33MK cung cấp công suất cao hơn 7% so với thế hệ RD-33 tích hợp trên các máy bay MiG-29 của không quân. Tối ưu không gian trong máy bay tốt hơn khiến tải trọng nhiên liệu tới 4,5 tấn cho phép đạt bán kính chiến đáu 850km và tăng lên 1.300km với 3 thùng dầu phụ. Nguồn ảnh: Airlines.net

img

Máy bay được trang bị radar Zhuk-M có khả năng phát hiện theo dõi tới 10 mục tiêu trên không, khóa 4 mục tiêu cùng lúc ở cự ly tới 120km. Trong chế độ không đối đất, loại radar của MiG-29K phát hiện được xe tăng cách 25km, cây cầu lớn cách 120km. Đặc biệt, khi chiến đấu trên biển, MiG-29K phát hiện được tàu khu trục cách 300km. Nguồn ảnh: Airlines.net

img

Tải trọng vũ khí tăng lên 5,5 tấn (nguyên bản MiG-29 chỉ 3,5 tấn) với 8 giá treo cho phép triển khai đa dạng tên lửa không đối không tầm ngắn-tầm trung, tên lửa chống hạm Kh-31A, Kh-35U; tên lửa chống radar Kh-31P hay Kh-25MP... Nguồn ảnh: Airlines.net