Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Sau khi nhận ý kiến phản đối của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về việc tăng lương cho giáo viên, Bộ GDĐT đã quyết định bỏ đề xuất này ra khỏi dự thảo Luật Giáo dục, ông có ý kiến gì về việc này?
- Đề xuất tăng lương giáo viên là một nội dung rất nhân văn, thể hiện được sự quan tâm đặc biệt với đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục. Khi được đưa vào dự thảo, ban đầu đề xuất này đã nhận được sự chú ý của dư luận và cử tri cả nước. Tuy nhiên, tờ trình chính thức của Chính phủ và Dự thảo Luật (lần thứ 5) trình Ủy viên Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 không còn nội dung này. Điều này rất đáng tiếc.
Nhưng chúng ta phải chia sẻ với Chính phủ vì đề xuất nào cũng phải căn cứ vào nguồn lực hiện có thì mới hoạch định được chính sách. Vừa qua, trong Dự thảo Luật Giáo dục, Bộ GDĐT đồng thời đề xuất tăng lương và miễn học phí cấp THCS, nếu làm cả hai cùng lúc chắc chắn đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ phải lo về nguồn lực quốc gia nên phải cân đối, quyết định dựa trên nguồn lực thực tế với mong muốn của ngành, của xã hội.
Lương giáo viên mầm non và tiểu học mới ra trường thấp hơn lương tối thiểu vùng (ảnh minh họa: IT)
"Cá nhân tôi ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, vì giáo viên hiện nay có mức lương rất thấp. Việc bác bỏ đề xuất tăng lương của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cũng mới chỉ là những ý kiến mang tính thảo luận trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa phải là quyết định cuối cùng. Quyết định là ở Quốc hội. Bộ GDĐT vẫn có thể đưa đề xuất tăng lương vào dự án luật khi trình ra Quốc hội. Để thể chế hoá Nghị quyết 29, tôi cho rằng cần xem xét sửa đổi điều 81 về tiền lương của nhà giáo để khẳng định rằng lương nhà giáo cần được xếp cao nhất trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp”. Ông Hà Ngọc Chiến - |
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng xóa chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Hai tin “không vui” này đưa ra đúng thời điểm dư luận đang nóng bởi hàng loạt vụ việc giáo viên bị bạo hành, làm nhục… Theo ông điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý thầy cô?
- Bỏ tăng lương và xóa miễn học phí là 2 đề xuất liên quan đến hai chủ thể quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục là giáo viên và sinh viên sư phạm. Trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tới đây sẽ bắt đầu khởi động việc áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới rất cần sự vào cuộc của đội ngũ các thầy cô. Trong lúc này, thông tin về việc bỏ đề xuất tăng lương, xóa ưu đãi miễn học phí chắc chắn sẽ làm mất đi động lực của nhà giáo với nghề. Không những thế, nó sẽ khiến nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo, cận nghèo học giỏi sẽ bị cản trở ước mơ trở thành giáo viên cống hiến cho quê hương mình sau này.
Theo ông, nếu nhà giáo được tăng lương, cục diện sẽ thay đổi như thế nào?
- Như chúng ta đã chứng kiến, nhiều mùa tuyển sinh gần đây, đặc biệt năm 2017, các trường ĐH khối công an, quân sự có điểm chuẩn đầu vào rất cao, ngược lại điểm đầu vào của nhiều trường sư phạm lại thấp “kỷ lục”.
Vì sao lại vậy? Chính là vì chính sách đãi ngộ của các ngành có sự khác biệt rõ rệt. Ngành công an, quân đội sinh viên vào học là được Nhà nước nuôi, ra trường được bố trí công việc và đặc biệt mức lương của họ rất cao trong hệ thống thang bậc lương. Nếu như ngành sư phạm được quan tâm như vậy thì chắc chắn sẽ tạo được động lực không chỉ cho học sinh giỏi muốn vào sư phạm mà các thầy cô giáo yên tâm công tác và cống hiến.
Khi họ không phải lo lắng về mức lương, thu nhập đủ sống, họ sẽ dành nhiều thời gian cho việc trau dồi chuyên môn, tôi luyện thêm kỹ năng, thậm chí quan tâm hơn đến học sinh của mình… Từ đó, không chỉ chất lượng giảng dạy mà những mâu thuẫn từ cách ứng xử với học sinh, phụ huynh cũng sẽ được hạn chế. Những vụ việc đau lòng liên quan đến tôn nghiêm của nhà giáo sẽ không còn nhức nhối nữa.
Nhiều người cho rằng, chưa tăng lương đồng loạt nhưng cần xét từng đối tượng đặc thù để tăng lương trước như giáo viên mầm non, cán bộ quản lý…, những người đang hưởng mức lương rất thấp nhưng áp lực công việc lại quá cao, ông nghĩ thế nào về điều này?
- Nhà giáo cần động lực nhưng ngân sách chưa thể đáp ứng ngay lập tức, tuy nhiên việc tăng lương cho giáo viên vẫn phải làm và làm có lộ trình. Cần đưa chủ trương xây dựng thang bảng lương cao nhất cho giáo viên theo nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa chủ trương này vào trong luật và thực hiện chủ trương đó theo lộ trình. Ví dụ, nhóm giáo viên nào ở địa bàn nào cần được tăng lương trước? Tăng bao nhiêu? Trong thời gian bao lâu sẽ tăng được đến mức mong muốn? Lộ trình này phải được xây dựng căn cứ vào điều kiện và nguồn lực cụ thể mà Chính phủ có thể đáp ứng được.
Xin cảm ơn ông!
Lương giáo viên mới ra trường thấp hơn lương tối thiểu vùng Theo một báo cáo của Bộ GDĐT, lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức. Mức thấp tập trung chủ yếu ở số giáo viên mới ra trường. Với mức lương cơ sở mới nhất là 1,3 triệu đồng, giáo viên mầm non và tiểu học có hệ số lương khởi điểm là 1,86 (trình độ trung cấp), mức phụ cấp ưu đãi 35%, không có phụ cấp thấp niên thì mức lương khởi điểm là 3.264.300 đồng. Giáo viên THCS có hệ số lương khởi điểm là 2,1 (trình độ cao đẳng), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.549.000 đồng. Giáo viên THPT có hệ số lương khởi điểm là 2,34 (trình độ đại học), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.954.600. |