Dân Việt

Rửa tiền: “Đọc luật, tôi lách được ngay”

16/11/2011 09:44 GMT+7
(Dân Việt) - "Cách soạn thảo như thế này, tôi thấy nó hơi đơn giản. Nếu tôi là người định rửa tiền, đọc luật này xong, tôi lách được ngay, vì tất cả những cảnh báo đối với việc rửa tiền thì chúng ta đã trình bày hết ở đây rồi...".

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc đã góp ý thẳng thắn với Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền như vậy khi thảo luận về dự án luật này vào sáng qua (15.11).

Luật vẫn còn đơn giản

ĐB Dương Trung Quốc nói: “Cách soạn thảo như thế này, tôi thấy nó hơi đơn giản. Nếu tôi là người định rửa tiền, đọc luật này xong, tôi lách được ngay, vì tất cả những cảnh báo đối với việc rửa tiền thì chúng ta đã trình bày hết ở đây rồi, cần phải chú ý tới cái gì, thấy hiện tượng gì...”.

img
Theo nhiều ĐBQH, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền còn sơ hở, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chứng minh về sự đơn giản, chưa chặt chẽ của luật này: “Tôi thấy hoạt động xuất nhập khẩu doanh số mà chúng ta chuyển ra và chuyển vào rất lớn. Trong năm 2010, hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tới 160 tỷ đô la, năm 2011 xuất nhập khẩu chuyển ra và chuyển vào để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu khoảng 200 tỷ đô la.

Như vậy tôi e ngại có việc rửa tiền nằm ẩn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng đọc trong dự thảo luật, tôi thấy chúng ta chỉ dành có 3 dòng để nói về phòng, chống rửa tiền ở lĩnh vực này thì quá ít so với tỷ trọng, doanh số giao dịch xuất nhập khẩu hiện nay”.

Về cơ quan phòng, chống rửa tiền, nhiều ĐB thống nhất nên giao cơ quan này cho Bộ Công an. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) lập luận, cơ quan phòng, chống rửa tiền nên trực thuộc Bộ Công an và có sự phối hợp với các cơ quan khác có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cơ quan phòng, chống tham nhũng và một số cơ quan khác”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì đề nghị, thêm cả ngành ngoại giao. “Nên chăng là một cơ quan đặc biệt, gồm các chuyên gia của những ngành vừa nêu trên và trực thuộc Chính phủ. Có những quyết định cấp Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách có thể quyết định ngay, còn giao cho ngân hàng hoặc Bộ công an thì đôi khi phải xin phép” - ĐB Nghĩa gợi ý.

VN là mục tiêu của hoạt động rửa tiền

ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) cho biết: Ngân hàng Thế giới đã nhận định VN đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, VN dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt.

ĐB Thành cũng đề nghị, về phạm vi điều chỉnh, nên tách riêng nội dung “tài trợ khủng bố” ra khỏi luật này bởi lẽ “Luật phòng, chống rửa tiền chủ yếu quy định về phòng ngừa các hành vi rửa tiền và xử lý vi phạm ở mức độ hành chính, trong khi đó, vấn đề “tài trợ khủng bố” là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia.”.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng đồng tình khi cho rằng, nội dung chống “tài trợ khủng bố” trong dự thảo luật lần này được thể hiện rất mờ nhạt dù hoạt động phòng, chống rửa tiền và hoạt động chống “tài trợ khủng bố” theo Tờ trình của Chính phủ có nhiều điểm tương đồng.

“Mối liên quan và tương đồng này ở diện hẹp, bởi có thể có nhiều biện pháp và cách thức khác nhau để tài trợ cho khủng bố. Trong đó tài trợ về tài chính thông qua hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng chỉ là một trong rất nhiều phương thức” - ĐB Hường khẳng định. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thì cho rằng: “Luật nào cũng có nội dung phòng, chống khủng bố thì người ta thấy VN nhiều khủng bố quá mà trên thực tế có đâu, rất phản cảm!”.

Luật Giám định tư pháp: “Có vừa đá bóng, vừa thổi còi?”

Thảo luận về Dự án Luật Giám định tư pháp, ĐB Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH: Có những vụ án kéo dài 7 năm rồi đình chỉ vụ án vì liên quan đến kết quả giám định.

Việc giám định có liên quan rất lớn đến vụ án, nó còn liên quan đến sinh mạng của con người. Câu hỏi đặt ra là luật này có đổi mới và có giải quyết được những vấn đề pháp lệnh chưa xử lý được không? Nhưng dường như dự luật này chưa giải quyết được.

ĐB Quyền cho biết, chế độ chính sách của cán bộ giám định pháp y rất thấp, mổ tử thi mà chỉ được bồi dưỡng 150.000 đồng, như vậy không ai muốn làm! Về đề xuất tách trung tâm giám định pháp y ra khỏi lực lượng công an, quốc phòng để đảm bảo khách quan, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”,

ĐB Quyền đánh giá: Việc tách công tác giám định ra khỏi lực lượng công an chưa thuyết phục. Ví dụ như cùng 1 đêm có 4 vụ án xảy ra, lực lượng nào đi được? Hoặc những vụ án trong rừng sâu núi thẳm, không gọi được cán bộ y tế thì làm thế nào? Trong khi lực lượng giám định của công an, quân đội đang làm tốt thì tại sao không phát huy.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đồng tình: Lực lượng công an đã làm rất tốt công tác giám định, hệ thống kỹ thuật hình sự nằm độc lập với cơ quan điều tra nên không sợ vừa đá bóng, vừa thổi còi.