Dân Việt

Bỏ nghề lang thang xúc đất, về làm "phù thủy" bonsai kiếm tiền tỷ

Dũ Tuấn 20/03/2018 07:05 GMT+7
Nhiều người bảo ông Nguyễn Trí Tuấn, 59 tuổi, trú làng Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX An Nhơn (Bình Định) bị “khùng” bởi độ liều và những thành tích đáng nể của ông này trong nghề làm bonsai. Thế nhưng, “khùng” mà thu được lợi nhuận như ông thì có khối đang người ước ao, ngưỡng mộ.

Giã từ… nghề máy ủi

Sinh ra ở làng Thanh Liêm, lúc bấy giờ ông Tuấn vốn là tay lái xe máy ủi chuyên đi xúc đất, san lấp mặt bằngcó tiếng nhưng khổ nỗi ông có niềm đam mê với cây cảnh, đặc biệt là mai. Công việc xúc đất đang hưng thịnh, bỗng chốc sau 1 đêm suy nghĩ, ông bỏ ngang nghề xe ủi để thuê đất, đầu tư trồng mai với 2.000 chậu.

“Khi còn là tài xế máy ủi tôi có sở thích chơi cây nên lúc rãnh, tôi tranh thủ đến vườn mai những quen coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Thấy họ làm thế nào thì mình học hỏi làm theo. Cặp mai lúc đầu mua về 500.000 đồng nhưng sau khi trồng và bán được tới gần 5 triệu đồng. Tưởng chỉ chơi cho vui nhưng lợi nhuận cao nên tôi quyết định đầu tư vào nghề trồng mai thương mại...”, ông Tuấn cho hay.

img

Ông Nguyễn Trí Tuấn bên gốc mai cổ thụ tại vườn của mình.

Khi làm mai, vườn mai của ông Tuấn khá nổi tiếng ở làng mai Nhơn An nhờ biết chọn giống cho nụ to, hoa đều, có dáng thế đẹp, vì vậy năm nào vườn mai của ông cũng có lãi ròng cả trăm triệu đồng.Với nhiều người ở nông thôn, chuyện làm ăn vậy đã quá ổn nhưng với người như ông Tuấn thì chưa đủ. Ông nghĩ, khi đô thị hóa phát triển, nhà cao tầng mọc lên san sát, không gian bị thu hẹp thì loại mai bonsai sẽ được giới nhà giàu ưa chuộng. Nghĩ thế, ông Tuấn tự lên mạng tìm hiểu và thực hình mô hình bonsai mới mẻ này.

Ông Tuấn nhớ lại: “Năm 2012, tôi quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua mai bonsai. Lúc đó, ai nấy trong làng đều nói tôi bị khùng, có vấn đề về thần kinh vì số mai ấy bán xô cũng được 300 - 400 triệu đồng. Nhưng tôi mặc kệ, cứ bỏ ngoài tai mà làm vì có dám đánh đổi cái trước mắt thì mới phát triển lâu dài được”.

img

Gốc mai bonsai của ông Tuấn mang rất nhiều kiểu dáng khác nhau

Mùa mai xuân năm 2014, sự kiện Tuấn “khùng” ở làng mai xuất bán ra thị trường 100 chậu mai dáng bonsai kỳ dị thu về gần nửa tỷ đồng đã khiến các chủ vườn mai Nhơn An ngớ người. Thấy làm mai bonsai hiệu quả, ông Tuấn nghĩ nếu trồng từ mai con phải nhiều năm sau mới có thể tạo dáng bonsai, kéo dài thời gian thu lợi nhuận. Thấy vậy, ông bỏ công đi lùng sục các vườn mai khắp nơi, những cây mai dáng xấu, kém phát triển, ông mua với giá rẻ… rồi mang về “phẫu thuật” tạo dáng nghệ thuật. Từ đó, người ta lại ví như "phù thủy" trên những thế mai bonsai...

“Phù thủy” mai bonsai

Chỉ tay về gốc mai bonsai sần sùi trong vườn, ông Tuấn nói: “Gốc mai này có độ tuổi hơn 20 năm rồi, tôi đặt tên là "THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ". Đã có nhiều vị khách trả tôi gần 100 triệu đồng để mua cây "THƯƠNG BINH" này nhưng tôi chưa bán vì chưa được giá theo ý muốn. Cách đây 5 năm, gốc mai của tôi do ảnh hưởng của nắng bị rộp lưng nên bị bể thân, nếu cứ để vậy thì chỗ bị rộp sẽ lan rộng ra toàn thân, lúc đó cây sẽ chết. Tôi quyết định nhổ lên và mang vào đục và cào lớp rộp đó bằng phương pháp thủ công, ròng rã trong vòng 4 ngày liền. Sau đó, bôi thuốc và keo, may mắn cây sống được và tôi tạo dáng như bây giờ”, ông Tuấn "phù thủy" kể chuyện rôm rả.

Theo ông Tuấn, nước tưới và công đoạn chăm sóc là 2 yếu tố ông cực kỳ coi trọng trong phát triển mai bonsai. Nhờ vậy, chỉ cần 1-2 năm sau khi cấy ghép chồi là ông đã có thể xuất bán. Ông có nhiều cách để chọn nguồn nước, nếu nhiễm phèn thì bơm sang ao để phai bớt phèn, sau đó mới bơm từ ao lên tưới. Với cách làm này, tiêu hao của ông cả triệu tiền điện mỗi tháng nhưng bù lại cây phát triển khỏe, ít bệnh.

img

Gốc mai có tên "THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ" của ông Tuấn "phù thủy".

Điều đặc biệt, ông Tuấn không cho mai “ăn” phân hóa học, mà nghiêng hẳn về phân hữu cơ. Theo ông Tuấn, mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít, khi bón phân hữu cơ cây sẽ phát triển khỏe và sống thọ hơn.

“Cây cũng như người, ăn uống phải điều độ, nếu quá nhiều thì chết vì bội thực, nếu ăn ít quá lại còi cọc, suy dinh dưỡng. Riêng phần phân bón cũng như thuốc bổ, phân hóa học uống vào thấy tác dụng ngay nhưng cũng mau phai và thường biến chứng, phân hữu cơ thì ngấm dần mà hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, mỗi người trồng mai đều có cách làm riêng, đó chỉ là những kinh nghiêm cá nhân của tôi trong công việc”, ông Tuấn từ tốn nói.

Ông Tuấn cho hay, mai được mua ở nhà vườn khác mang về, trước khi được tạo dáng bonsai, phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên, cắt thân, giũ sạch đất cũ, làm vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ những vi sinh vật có thể gây bệnh cho cây, sau đó tùy từng cây mà có chế độ chăm sóc khác nhau.

img

Vườn mai của ông Tuấn có đến 700 gốc bonsai, tổng trị giá 3 tỷ đồng

Khi cây được “hồi sức” lúc đó mới cấy ghép chồi. Chồi phải được ghép chỗ đường nhựa đi lên, phần ghép phải được bọc kín để khi tưới nước không thấm vào. Cây mới ghép chỉ tưới lượng nước vừa phải và phải để trong mát, tránh bị ánh nắng làm ra mồ hôi. Để hình thành 1 cây mai bonsai phải qua 3 công đoạn tạo dáng: uốn nhịp 1 đi thẳng, khi cây mai phát triển thêm uốn nhịp 2 rớt xuống 1 chút, đợi cây phát triển thêm mới uốn nhịp 3 để có 1 cành đổ hoàn hảo.

“Tết Nguyên đán vừa rồi, vườn mai tôi thu lời được khoảng 300 triệu đồng. Hiện tại, vườn mai của tôi có đến 700 gốc bonsai, tổng trị giá lên đến 3 tỷ đồng. Dự kiến, tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm vườn mai đảm bảo chất lượng để phục vụ người chơi mai”, ông Tuấn cho hay.