7 năm trước, hơn 5 sào đất của gia đình anh Tuấn trồng vải thiều. Vải thiều rớt giá liên tục vì nhiều địa phương ồ ạt trồng. Như nhiều gia đình khác ở thôn Ngọc Lộ, vợ chồng anh đành chặt vải để trồng ổi Bo-giống ổi do Viện Nghiên cứu cây ăn quả cung cấp.
Vợ chồng anh Tuấn đóng bao ổi chuẩn bị xuất đi Hải Phòng, Hà Nội. |
“Nếu ổi chỉ thu cấp tập trong một thời gian nhất định thì chẳng ai muốn trồng. Nhưng giống ổi Bo khi đưa về đất Thanh Hà đã được người dân ở đây truyền cho nhau kỹ năng, kinh nghiệm xử lý để ra quả trái vụ. Kể cả chính vụ và trái vụ, coi như cây ổi cho trái quanh năm. Chính vụ có thể giá thấp, nhưng trái vụ bán giá cao, chưa khi nào rơi vào tình trạng bán đổ bán tháo như cây vải thiều” - anh Tuấn thổ lộ.
Quả như lời anh Tuấn nói, hơn 10 năm trồng ổi, người dân xã Tân Việt có lúc bán ổi quả chỉ 1.000 đồng/kg, nhưng thời điểm chính vụ sẽ qua nhanh thay vào đó là ổi trái vụ rải từ tháng 8 năm nay cho tới tháng 3 sang năm với giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg. Vợ chồng anh Tuấn thâm canh 5 sào ổi Bo. 7 năm trồng ổi, năm nào thu nhập kém nhất cũng đạt tới 7 triệu đồng/sào, năm thu nhập cao cho tới hơn 10 triệu đồng/sào.
Thu nhập từ trồng ổi của vợ chồng anh Tuấn so với với nhiều hộ khác trong xã Tân Việt còn khá khiêm tốn. Nhưng điều mọi người khen là vợ chồng anh biết làm ăn. Hơn 1 năm nay, bên cạnh chăm sóc 5 sào ổi của gia đình, vợ chồng anh Tuấn còn làm thêm nghề buôn ổi. Vợ chồng anh thu gom ổi của các hộ trong xã rồi thuê xe ô tô chở đi Hải Phòng, Hà Nội tiêu thụ.
“Vợ chồng tôi có công ăn việc làm và thu nhập cả năm trong đó có 2 tháng buôn vải thiều và 10 tháng còn lại buôn ổi. Bình quân, mỗi ngày vợ chồng tôi thu gom gần 1 tấn ổi quả. Trừ tất cả các chi phí, mỗi cân ổi lãi từ 500-700 đồng”- anh Tuấn cho biết. Xem ra, với tiền lãi từ 500.000-700.000 đồng/ngày thì thu nhập từ nghề buôn ổi của vợ chồng anh Tuấn cao gấp nhiều lần trồng ổi...
Đông Hoàng