Dân Việt

Viện Kiểm sát đưa bằng chứng bác quan điểm của bị cáo Đinh La Thăng

Lương Kết 20/03/2018 11:32 GMT+7
“Chúng tôi đang hỏi nghị quyết 7289 của HĐQT được bị cáo ký ngày 1.10.2008, đến tận 17.10.2008, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến về nghị quyết đó. Như vậy khi bị cáo ban hành nghị quyết đã có ý kiến đồng ý của Thủ tướng chưa?”, đại diện Viện KS thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng

img

Bị cáo Đinh La Thăng (ảnh PV).

Sáng nay (20.3) phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục, đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau là Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đại diện Viện KS, hỏi đến thời điểm hiện nay, khoản vốn của PVN là 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank có thu hồi được không?

Bị cáo Đinh La Thăng không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông nói, trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch HĐQT của PVN, việc đầu tư vào các dự án đều có hiệu quả. Trước cách trả lời này đại diện Viện KS đã đề nghị bị cáo trả lời rõ có hay không.

“Đến cuối tháng 7.2011, bị cáo không còn ở PVN nữa, trách nhiệm biết hay không biết không thuộc trách nhiệm của bị cáo”, bị cáo Thăng trả lời.

Trả lời về nội dung liên quan đến thủ tục để PVN góp vốn vào OceanBank, bị cáo Thăng cho rằng đã làm đúng. “Đấy là suy nghĩ của bị cáo. Bây giờ chúng tôi đang hỏi nghị quyết 7289 của HĐQT được bị cáo ký ngày 1.10.2008, đến tận 17.10.2008, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến về nghị quyết đó. Như vậy khi bị cáo ban hành nghị quyết đã có ý kiến đồng ý của Thủ tướng chưa?”, đại diện Viện KS thẩm vấn.

Bị cáo Thăng nói, HĐQT chỉ thống nhất việc báo cáo Thủ tướng xin mua cổ phần của OceanBank. Khi được Thủ tướng đồng ý, PVN mới thực hiện việc đó.

Đại diện Viện KS hỏi thêm, Nghị quyết HĐQT của PVN đó có căn cứ vào ý kiến của Thủ tướng Chính phủ không?

Bị cáo Thăng cho rằng, Nghị quyết đó chưa cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vì nghị quyết đó không mang tính quyết định việc đầu tư ra ngoài.

“Vậy nghị quyết nào quyết định việc tham gia góp vốn”, đại diện Viện KS hỏi. Bị cáo Thăng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì Tập đoàn mới quyết định đầu tư.

Đại diện Viện KS hỏi bị cáo Đinh La Thăng có biết kết luận Thanh tra của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN không?

“Bị cáo không biết công văn đó vì đã chuyển công tác lâu rồi. Thời gian bị cáo công tác tại PVN thì tất cả các báo cáo của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan kiểm toán.... đều thể hiện hoạt động kinh doanh của OceanBank rất tốt, không có vấn đề gì”, bị cáo Thăng khai.

Ngay lập tức, đại diện Viện KS đã công bố thông báo kết luận của cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Kết luận thể hiện, thực trạng tài chính của OceanBank đến thời điểm 31.3.2012, vốn sở hữu giảm so với số ghi trên báo cáo tài chính gần 1.600 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 922 nghìn triệu đồng... Viện KS cho rằng việc PVN đánh giá đầu tư vào OceanBank thời điểm đó có hiệu quả là không có căn cứ.

Đại diện Viện KS cho rằng, trong quá trình thực hiện đã thể hiện khi bị cáo Đinh La Thăng ký nghị quyết của HĐQT PVN góp vốn lần thứ nhất vào OceanBank chưa có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, bị cáo Thăng ủy quyền ký nghị quyết góp vốn lần 2, bị cáo chưa xin ý kiến của Thủ tướng.

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng lúc làm Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18.9.2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Như vậy bị can Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.

Đến thời điểm ngày 01.1.2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%  mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank  trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng OceanBank.