Chiều 19.3, Cục An toàn thực phẩm đã chia sẻ thông tin với báo chí về một số điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 2.2.2018) của Chính phủ thay thế Nghị định 38 năm 2012 về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
Theo các chuyên gia đánh giá, Nghị định 15 đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm của Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 15 có 11 nội dung có sự thay đổi cơ bản so với Nghị định 38.
Nếu như trước kia các sản phẩm trước khi lưu thông phải có sự công bố của cơ quan quản lý nhà nước thì Nghị định 15 đã "trao quyền" này cho các doanh nghiệp. Chỉ còn rất ít nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
“Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do UBND tỉnh chỉ định. Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố”– TS Phong cho biết.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm.
Nghị định 15 cũng giúp giảm mạnh thời gian, thủ tục công bố. Nhờ đó, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ từ 15 ngày xuống 7 ngày, riêng với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là từ 30 ngày xuống còn 21 ngày. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, triển khai riêng thủ tục công bố, kiểm tra chuyên ngành tiết kiệm được hơn 7,7 triệu ngày công, cắt giảm chi phí được hơn 3.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Nghị định 15 có thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm. Theo đó, các nhóm sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao) trước khi quảng cáo. "Như vậy, cũng có 90% sản phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào quảng cáo sai sự thật, "thổi phồng" sản phẩm sẽ bị phạt nặng".
Về lo ngại "để doanh nghiệp tự công bố, tự quảng cáo như vậy sẽ khiến doanh nghiệp "tự tung tự tác", thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn", ông Phong cho biết, doanh nghiệp tự chủ hơn nhưng trách nhiệm cũng lớn hơn. Bộ Y tế sẽ kiến nghị để sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt các vi phạm an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt, tăng tiền phạt và các hình phạt bổ sung kèm theo như thu hồi sản phẩm, tiêu hủy sản phẩm, thu hồi giấy phép, dừng sản xuất... Nếu doanh nghiệp nào lỡ bán các sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ phải thu hồi và chịu trách nhiệm với các sản phẩm đã bán. Đồng thời quyết liệt áp dụng Luật Hình sự sửa đổi trong đó có điều 317 quy định về các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ chuyển phương thức quản lý chủ động trước kia sang tập trung nguồn lực tối đa cho hậu kiểm. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm với các công bố và chất lượng sản phẩm của mình. Theo ông Phong, bất cứ phương thức quản lý nào cũng sẽ có rủi ro. Nhưng với mức xử phạt tăng nặng và sự tồn tại của chính mình, các doanh nghiệp sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn, đảm bảo sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đạt an toàn thực phẩm, đúng như chất lượng mà mình đã tự công bố.