Dân Việt

Thi tuyển cụ Từ “có một không hai” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Ngô Hùng 20/03/2018 17:53 GMT+7
Thành lập hội đồng thi, gắn camera giám sát, nhờ công an tỉnh vào xác minh lý lịch “thí sinh” và đảm bảo an ninh… đó là những việc bắt buộc phải làm trong quá trình thi tuyển cụ Từ trông nom hương khói cho các đền, chùa ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

img

Những người được chọn làm cụ Từ trông nom tại các đền chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng phải là cao niên được người dân kính trọng, có đủ tài đức, sức khỏe tốt... (Ảnh tư liệu)

Hơn chục năm nay, trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng lại diễn ra cuộc thi tuyển cụ Từ “có một không hai” cho các đền chùa trong khu di tích. Việc thi tuyển này nhằm chọn ra người có đủ tài đức, sức khỏe tốt, lý lịch “sạch”, hiểu về lịch sử, nắm rõ các văn bản pháp quy liên quan đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, kiến trúc các đền chùa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… để chăm lo hương khỏi, phụng thờ thái miếu tổ tiên.

“Việc thi tuyển cụ Từ được coi là một trong những việc quan trọng nhất trong năm. Các cụ Từ được tuyển chọn không chỉ chăm lo hương khói trong các đền chùa mà còn phải có tư chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn, khỏe mạnh, đặc biệt là phải hiểu rõ về lịch sử Đền Hùng, thuộc lòng các bài văn khấn để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước hiểu về lịch sử, văn hóa mà các Vua Hùng để lại. Chính vì vậy, việc thi tuyển được thực hiện hết sức nghiêm túc, nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của cả lực lượng công an tỉnh”, ông Nguyễn Duy Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ.

img

Ông Nguyễn Duy Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Việc tuyển chọn cụ Từ theo thông lệ phải trải qua 4 bước nghiêm ngặt từ tuyển chọn, bình xét của trưởng khu, bí thư chi bộ, các ban ngành đoàn thể địa phương. Sau khi các khu bình xét xong sẽ chuyển hồ sơ lên xã Hy Cương (TP.Việt Trì) hoặc thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) sàng lọc lại. Tiếp đến, UBND xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn sẽ chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Phú Thọ để xác minh lý lịch của các thí sinh.

“Theo quy chế thi tuyển, cụ Từ phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản như gia đình văn hóa, con cháu đủ đầy, gia đình chấp hành tốt quy định của địa phương, đặc biệt trong nhiều năm không có ai trong gia đình vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Duy Anh cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Anh, sau khi Công an tỉnh Phú Thọ điều tra xác minh lý lịch xong sẽ gửi xác nhận về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tổ chức cuộc thi tuyển chọn cụ Từ.

“Trước yêu cầu nghiêm ngặt, các cụ Từ thường phải thức khuya, dậy sớm, ôn tập trong nhiều tháng trời. Nội dung ôn thi xoay quanh các văn bản pháp quy của nhà nước và tỉnh Phú Thọ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các quy tắc bảo tồn khu di tích, lịch sử kiến trúc các đền chùa trong khu di tích, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nắm được hết các bức hoành phi, câu đối, bài vị, những bài cúng tại các đền chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Dù vất vả nhưng ai cũng cố gắng ôn luyện để được trở thành cụ Từ trông nom, chăm sóc hương khói cho các đền chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng”, cụ Cao Đức Trọng - thủ từ đền Thượng cho biết.

img

Để trở thành cụ Từ, các thí sinh thường phải thức khuya, dậy sớm, ôn tập trong nhiều tháng trời.

Cuộc thi tuyển cụ Từ được tổ chức trong 1 ngày giữa tháng 12 hàng năm. Cuộc thi tuyển này được tổ chức bài bản với sự giám sát của hội đồng thi, camera, công an tỉnh và bảo vệ.

Buổi sáng, các thí sinh thi lý thuyết theo các chuyên đề liên quan đến các văn bản pháp quy và lịch sử Đền Hùng. Buổi chiều sẽ thi thực hành tín ngưỡng, ở phần này, các thí sinh tham gia bốc thăm đề thi, đề thi rơi vào đền nào thì thực hiện bài cúng lễ của đền đó. Tổng hợp 2 phần thi để lấy điểm trung bình, người đạt điểm cao sẽ được chọn. Cụ Từ được chọn sẽ đảm nhiệm công việc tròn một năm, khóa Từ bắt đầu từ ngày 1.1 đến 31.12 thì kết thúc.

“Được lựa chọn làm cụ Từ trông nom, hương khói đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh này không chỉ là vinh dự của cá nhân tôi mà còn là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc, xóm làng”, cụ Cao Đức Trọng vui vẻ chia sẻ.

Từ ngày được lựa chọn, với trách nhiệm của mình, hàng ngày, cứ 5h sáng, cụ Cao Đức Trọng và các cụ Từ khác đã dậy để lên các đền chùa mà mình được phân công tiến hành thay mới trầu cau, nước, vệ sinh ban thờ sạch sẽ rồi mới lên hương, thỉnh chuông.

img

Cứ 5h sáng hàng ngày, cụ Cao Đức Trọng và các cụ Từ khác thức dậy để lên các đền chùa đã được phân công.

“Ngoài việc nhang khói trông coi đền Thượng, tôi cố gắng tìm hiểu về lịch sử cũng như các câu chuyện liên quan đến Đền Hùng, các sự tích, huyền tích, những dấu ấn văn hóa, lịch sử thời Hùng Vương dựng nước để hướng dẫn, giải đáp thông tin cho du khách đến thăm Khu di tích. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên phối hợp với cán bộ khu di tích hướng dẫn đồng bào thực hành tín ngưỡng đúng quy định như hướng dẫn cho bà con cách sắp lễ, hành lễ, các thủ tục thực hành tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, đồng thời nhắc nhở bà con không tham gia hầu đồng, bói toán tại cửa đền”, cụ Cao Đức Trọng tâm sự.