“Khi tính lợi thế so sánh và hiệu quả trên một đơn vị sử dụng đất đai thì thấy rằng trồng lúa ở TP.HCM sẽ không tạo ra năng suất cao hơn ở Tiền Giang hoặc Long An. Quan trọng là trồng cây gì để phát huy hiệu quả, đừng có nhìn kinh tế TP.HCM theo kiểu cát cứ, phải có đầy đủ ABCD…” – ông Phong nói.
Nông dân huyện Hóc Môn mạnh dạn bỏ lúa chuyển sang trồng rau sạch, hoa lan cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: H.V
Sau đó, trong tháng 10.2017, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 35 dự án có sử dụng diện tích đất trồng lúa từ 10ha trở lên. 35 dự án này có tổng diện tích 3.653,59ha, trong đó thành phố kiến nghị chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa 1.531,4ha.
Bên cạnh đó, có 9 dự án chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất năm 2016 với tổng diện tích 1.239ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng vào đất trồng lúa 567,43ha; 26 dự án đăng ký mới trong kế hoạch sử dụng đất năm 2017 với tổng diện tích 2.414,41ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng vào đất trồng lúa 963,97ha
Ngày 14.11.2017, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có nội dung thí điểm giao cho HĐND TP.HCM quyết định: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên được thực hiện như đối với trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha.