Dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ VHTTDL làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa và Văn phòng Bộ VHTTDL về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: "Tỉnh Ninh Bình cần phải thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An". Bà Đặng Thị Bích Liên cho biết: thẩm quyền xử lý vụ việc thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ giám sát.
Công trình đồ sộ xây trái phép xuyên thẳng vào núi Cái Hạ - Tràng An. Ảnh Internet
Ngay sau khi có chỉ đạo trực tiếp từ Bộ, về phía địa phương, ông Đinh Chung Phụng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn Thanh tra cho biết: “Đoàn thanh tra sẽ tập trung vào các nội dung như việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý di sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, văn hóa, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó là việc chấp hành các quy định về luật Doanh nghiệp, Lao động, Thuế cùng các quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, in ấn phẩm, tuyên truyền, quảng cáo... Đợt thanh tra kéo dài trong 45 ngày. Khi có kết luận cụ thể, UBND tỉnh căn cứ vào đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tùy vào mức độ sai phạm. Trách nhiệm cụ thể như thế nào khi có kết luận của thanh tra, chúng tôi sẽ công khai trên báo chí”.
Vì đâu nên nỗi?
Lý giải về việc thực hiện một công trình đồ sộ không phép trên núi Huyền Vũ, ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An phân trần: “Bản thân làm công trình không vì lợi ích kinh tế, không coi thường pháp luật mà chỉ vì nóng vội muốn làm nhanh đường lên núi Huyền Vũ, mừng kỷ niệm 1.050 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi. Đây chính là nơi vua Đinh lập đàn Kính Thiên sau khi xưng vương để làm lễ cầu siêu cho vong hồn nghĩa sĩ".
Phản biện lại những ý kiến của ông Nguyễn Văn Son, ở góc độ của một nhà khoa học, PGS.TS Trần Lâm Biền chỉ rõ: "Các cụ ngày xưa đã nói "phi trí bất hưng", không có trí tuệ mà chỉ dùng cái tâm thì dễ dẫn đến mê tín dị đoan. Bởi không có trí, thiếu kiến thức thì có thể, hôm nay thấy chỗ này chưa hợp ý thánh thần, chủ quan sửa chữa, nhưng thực chất đấy là phá hoại. Làm du lịch Tràng An là đề cao giá trị của một công trình đã được UNESCO công nhận, nhưng thực tế là họ đang phá hoại, do thiếu kiến thức. Những người làm công tác tu bổ di tích chỉ cốt làm để lấy tiền, chứ không có ý thức trong việc bảo tồn di tích”.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đánh giá cao việc Bộ VHTTDL Việt Nam đã vào cuộc ngay lập tức sau khi phát hiện ra sự việc. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở Bộ mà là ở địa phương đã giấu thông tin. Đấy không phải là cách làm tốt nhất của tỉnh Ninh Bình. Trong quản lý di sản, người dân địa phương có vai trò rất quan trọng vì họ là người ở “tuyến đầu”, không phải lúc nào Bộ VHTTDL cũng có mặt để bảo vệ”. |
Qua những vụ việc liên quan đến việc phân cấp quản lý; vấn đề cấp phép trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: "Việc phân cập quản lý di tích, không có nghĩa là địa phương có toàn quyền trùng tu, tôn tạo đối với di sản văn hóa, mà tùy theo di tích ấy được công nhận ở cấp nào?. Giả dụ như của Trung ương thì mọi thay đổi đều phải có sự thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền từ trung ương. Còn việc bảo quản để chống xâm hại thì giao cho địa phương chứ không phải giao cho cấp nào quản lý thì cấp đó có quyền đối với di sản. Không nên có sự nhầm lẫn giao cho đia phương quản lý thì có toàn quyền thì hoàn toàn hỏng rồi”.
Xây rồi giờ tháo dỡ cũng khó tránh khỏi hệ lụy
Tràng An là di sản UNESCO thế giới đầu tiên của Việt Nam đạt hai tiêu chí về thiên nhiên và văn hóa. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: “Đây là di sản lớn của đất nước. Về mặt quản lý, ngoài thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, Việt Nam còn phải chịu sự điều tiết của công ước quốc tế. Nếu không xử lý triệt để, khả năng UNESCO có ý kiến và xem xét lấy lại danh hiệu đã công nhận với Tràng An là khó tránh khỏi”.
Theo Giáo sư Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì tiêu chí công nhận Di sản văn hoá thế giới của UNESCO rất nghiêm ngặt. Ông khẳng định: “Chỉ cần một hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến toàn bộ quần thể khu di sản, chắc chắn đồng nghĩa với việc bị UNESCO tước danh hiệu Di sản Thế giới. Theo quy định của UNESCO, hiện trạng của Quần thể danh thắng Tràng An thời điểm được công nhận như thế nào thì phải giữ đúng như vậy, không được phép làm biến dạng bất cứ điều gì”.
Văn hóa là một tổng thể, trong đó tầng văn hóa tâm linh mang ý nghĩa sâu sắc đạt tầm triết lý - minh triết cao xa hơn cả, như hiện vật Thần Đồng Ngọc Lũ. Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân tộc nhạc học Dương Đình Minh Sơn khẳng định: “Văn hóa là vĩnh hằng, do đó, những đền, đài, miếu, mạo là văn hóa vật thể, hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa phi vật thể. Khuôn viên của một di tích văn hóa được tọa lạc ở một địa điểm được xác lập phong thủy hướng: đông-tây-nam-băc.... Mỗi cảnh quan trong di tích được ví như cơ thể của một con người; khi con người bị tai nạn què quặt sẽ thành người tàn phế. Một di tích bị xâm hại thì giá trị lịch sử văn hóa sẽ phôi phai”.
Văn hóa không chỉ là gương mặt của một dân tộc, mà còn là tấm “căn cước” để dân tộc Việt Nam hội nhập với thế giới đương đại. Hãy bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vật thể và phi vật thể mà thiên nhiên và con người tiền bối đã dày công tạo dựng. |