Dân Việt

Quan điểm pháp lý khác nhau vụ xe cứu hỏa ngược chiều trên cao tốc

Việt Đức 21/03/2018 20:20 GMT+7
Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang khiến giới luật sư lệch quan điểm về trách nhiệm các bên liên quan.

Vụ xe khách lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đâm vào xe cứu hỏa của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) đi ngược chiều trong quá trình đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ngày 18.3 đang dấy lên hai luồng quan điểm trái chiều.

Người thì cho rằng, tài xế xe khách là người có lỗi khi không nhường đường cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ. Trong khi đó, quan điểm khác lại cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của lái xe PCCC khi nhập làn vào cao tốc.

img

Vụ tai nạn xảy ra trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt. Ảnh cắt từ clip.

Theo một chuyên gia giao thông, hiện nay trên các tuyến đường cao tốc của Việt Nam không có làn đường dành riêng cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ. Việc xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc khi làm nhiệm vụ được pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, đối với vụ việc xảy ra trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, khi lái xe cứu hỏa đánh lái sang làn đường bên trái như vậy là thiếu an toàn, vì đấy là làn đường các xe lưu thông với tốc độ cao. Nếu lái xe cứu hỏa có kinh nghiệm khi vào làn ngược chiều trên cao tốc với tốc độ chậm, đi vào làn khẩn cấp thì không xảy ra vụ tai nạn thương tâm nói trên.

Vụ tai nạn giao thông giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc ngày 18.3 cũng làm nổ ra những tranh cãi về mặt pháp lý khi giới luật sư có những quan điểm trái chiều.

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng: “Trên quan điểm của tôi, tài xế xe khách là người có lỗi chủ yếu dẫn đến tai nạn”.

Theo luật sư, việc xe cứu hỏa đi ngược chiều trên đường cao tốc là vấn đề được pháp luật cho phép không phải bàn cãi, được quy định tại Điều 22, Luật giao thông đường bộ.

Về phần lỗi của tài xế xe khách, theo luật sư Thanh, qua camera có thể thấy nơi xảy ra tai nạn là khu vực đường giao nhau, thời điểm đó có mưa, sương mù, mặt đường trơn trượt, nhưng lái xe khách đã không giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại một cách an toàn. Việc làm này là trái quy định Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31.12.2015 của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, luật sư Thanh cho rằng trong vụ tai nạn này, kỹ năng của người điều khiển xe cứu hỏa là chưa phù hợp.Ngoài ra có vẻ như xe khách cũng đã không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường trong điều kiện trời mưa, mặt đường trơn trượt được quy định tại Điều 12, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT.

“Đoạn đường xảy ra tai nạn không bị vướng tầm nhìn, thế nhưng người lái xe lại không chú ý quan sát để phát hiện một xe khách đang ầm ầm lao đến. Ngoài ra, nếu người lái xe cứu hỏa dù được đi ngược chiều nhưng đi vào phần đường ưu tiên chứ không lao ra giữa đường cũng sẽ có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xe khác lao vào mình. Nếu xử lý người lái xe khách, cơ quan chức năng rất cần xem xét đến tình huống này để có một quyết định hợp tình, hợp lý”, luật sư Giang Hồng Thanh phân tích.

Ở một góc độ nhìn khác, luật sư Hoàng Minh Hiển – Văn phòng Luật sư Bắc Hà nêu quan điểm, dù xe cứu hỏa được quyền ưu tiên đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên, việc lưu thông trên đường cao tốc có các phương tiện lưu thông với tốc độ rất cao nên khi xe cứu hỏa nhập làn một cách bất ngờ có thể khiến tài xế xe khách không xử lý kịp để dừng xe nhường đường cho xe ưu tiên.

“Xe khách đang di chuyển với tốc độ cao cùng nhiều hành khách nên nếu phanh cũng không thể dừng lại ngay được, nếu chuyển hướng sang làn đường khác có thể va chạm với các xe khác đang lưu thông hoặc có thể lật xe...”, ông Hiển nói.

Luật sư Giang Hồng Thanh: “Qua vụ việc hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành quy định rõ ràng, cụ thể về những nghĩa vụ của xe ưu tiên, chứ không phải vì được quyền nên muốn đi thế nào cũng được. Cứu được người này nhưng khiến người khác chết, thì ưu tiên để làm gì”

Đưa ra góc nhìn của mình về vụ việc, luật sư Hoàng Minh Hiển cho hay: “Theo  tôi ở vụ việc này có phần lỗi từ người lái xe cứu hỏa. Còn trách nhiệm của lái xe cứu hỏa đến đâu thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng”.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Thành – Đoàn Luật sư Hà Nội thì cho rằng, nếu dư luận cho rằng, vụ việc phải xử lý hình sự lái xe khách là không có cơ sở.

Cơ sở đưa ra là do xe khách không giữ đúng cự ly, tốc độ với xe đi trước, theo luật sư Nguyễn Văn Thành, đấy là hành vi được xem xét giữa xe khách và xe đi phía trước. Nếu xảy ra va chạm với xe phía trước thì lỗi chắc chắn thuộc về xe khách trong vụ tai nạn.

Trong trường hợp này, với xe cứu hỏa đi ngược chiều lại là câu chuyện hoàn toàn khác, không thể bắt lỗi  xe khách về việc giữ cự ly dẫn tới việc gây tai nạn.

Với trường hợp của xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc, việc xử lý của tài xế là rất khó khăn. Tài xế xe khách hoàn toàn không có lỗi vô ý hay cố ý trong vụ tai nạn này. Còn nếu “ép” tài xế xe khách do lỗi không giữ khoảng cách, luật sư Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng, đấy chỉ có thể là lỗi hành chính.