Dân Việt

Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 3): Quan hệ song phương thời Tổng thống Trump

Thùy Dương 25/03/2018 16:30 GMT+7
Sau cả một năm khẩu chiến bằng những ngôn từ dữ dội, đột nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhất trí sẽ gặp mặt và thảo luận về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Diễn biến này bất ngờ, thậm chí gây sốc, nhất là khi xét tới những gì mà hai bên đã "lời qua tiếng lại".

Khẩu chiến

Ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Trump đã coi Triều Tiên là “nơi cuối cùng trên Trái Đất mà tôi muốn tới”.

Khi trở thành tổng thống Mỹ, có lần khi nghe tin về một vụ thử tên lửa nữa của Triều Tiên, ông Trump mỉa mai trên Twitter ngày 3.7.2017: “Ông ta (Kim Jong-un) có điều gì tốt hơn để làm trong đời không?”.

img

Hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên từng dành cho nhau những lời lẽ khó nghe. Ảnh: Getty

Ngày 3.8.2017, ông Trump phát biểu với phóng viên tại câu lạc bộ golf ở Bedminster, New Jersey: “Triều Tiên tốt hơn hết là không nên đe dọa Mỹ thêm nữa. Họ sẽ hứng chịu lửa cháy và thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến”.

Thậm chí, trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ông Trump đã ví ông Kim Jong-un là “người tên lửa” và đe dọa: “Mỹ có sức mạnh và lòng kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ mình và đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. Người tên lửa đang thực hiện sứ mệnh tự sát".

Đáp lại, phía Triều Tiên cũng dùng những ngôn từ xúc phạm đối với Tổng thống Mỹ, ví ông Trump là “ông già Mỹ lẩm cẩm”. Ông Kim Jong-un nói: “Ông ta không phù hợp giữ đặc quyền của tổng tư lệnh tối cao quốc gia”. Chỉ vài giờ sau, ông Trump đã phản hồi trên Twitter với những ngôn từ khó nghe không kém.

Hai nhà lãnh đạo thậm chí còn lôi nút hạt nhân ra đe dọa nhau. Ngày 1.1.2018, trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, ông Kim Jong-un nói: “Không chỉ là lời đe dọa đơn thuần mà là thực tế rằng tôi có nút hạt nhân trên bàn trong văn phòng. Tất cả khu vực lục địa Mỹ đều trong tầm tấn công hạt nhân của chúng tôi”.

Ngay ngày hôm sau, ngày 2.1, ông Trump đã phản pháo trên Twitter: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa nói rằng nút hạt nhân lúc nào cũng trên bàn ông ta. Liệu có ai thông báo với ông ta rằng tôi cũng có nút hạt nhân nhưng nó còn to hơn và mạnh hơn của ông ta, và nút của tôi đang trong trạng thái hoạt động”.

Diễn biến bất ngờ

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi theo chiều hướng tích cực tới không ngờ, xoay quanh sự kiện Olympic mùa đông ở Hàn Quốc. Cũng trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, ông Kim Jong-un phát đi thông điệp kêu gọi cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và đề xuất cử một phái đoàn tới Olympic ở Pyeongchang.

Ngày 9.1, các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp ở làng đình chiến Panmunjom. Hai bên nhất trí về việc Triều Tiên cử đoàn vận động viên và phái đoàn tới Olympic.

Một tháng sau, ngày 9.2, em gái ông Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong đã trở thành thành viên đầu tiên của gia đình họ Kim tới thăm Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Bà tham dự lễ khai mạc Olympic và thu hút được sự chú ý lớn của truyền thông với phong cách trẻ trung, thân thiện. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bà Kim Yo-jong cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn sớm tổ chức thượng đỉnh giữa hai quốc gia.

Sau chuyến thăm Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc là ông Chung Eui-yong cho biết ông Kim Jong-un sẵn sàng thảo luận về chương trình hạt nhân với Mỹ và bày tỏ sẵn sàng ngừng thử tên lửa, hạt nhân trong thời gian diễn ra đàm phán.

Ngày 9.3, Tổng thống Trump đã ngay lập tức nhận lời mời của ông Kim Yong-un sau khi ông Chung Eui-yong chuyển lời tại Nhà Trắng. Cuộc họp được ấn định diễn ra vào cuối tháng 5 tại một địa điểm chưa xác định. Trước đó, hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vào tháng 4.

img

Việc hai bên thống nhất sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 là diễn biến bất ngờ. Ảnh: Reuters

Đánh giá về ý định của Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng Triều Tiên chân thành nhưng ông cũng thận trọng: “Nhưng chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra”.

Lý giải về diễn biến gây sốc này, ông Michael Fuchs, từng là phó trợ lý phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ thời chính quyền Barack Obama, nhận định: “Chúng ta có sự kết hợp của yếu tố ngẫu nhiên, bốc đồng về phía Tổng thống Mỹ, cộng thêm một chút chiến lược và một chút may mắn”. Nói cách khác, đó là khoảnh khắc chỉ có thể khả thi thời Tổng thống Trump, vì chỉ có ông Trump mới chấp nhận rủi ro này.

Về phần ông Kim Jong-un, theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một phần của thay đổi đơn giản là vì các biện pháp trừng phạt quốc tế đã bắt đầu có tác dụng. Hiện chưa rõ liệu Triều Tiên muốn nới lỏng các biện pháp trừng phạt hay sử dụng đàm phán để câu giờ, nhưng hậu quả của các biện pháp trừng phạt có thể là một nhân tố khiến Triều Tiên sẵn sàng đàm phán.

Tuy nhiên, từ lâu Triều Tiên đã luôn tìm kiếm một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh bị cô lập, nước này muốn sự tôn trọng trên trường quốc tế.

Chuyện gì tiếp theo?

Dù lý do đưa hai bên tới bàn đàm phán là gì thì điều đó cũng không quan trọng bằng phần sau câu chuyện, và cũng là phần khó nhất. Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Trong khi Triều Tiên vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh với Mỹ thì phía Mỹ đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho sự kiện này. Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia đã vội vã chuẩn bị nội dung cho ông Trump tại bàn đàm phán, từ việc đàm phán gì cho thấy địa điểm cuộc gặp. Theo giới chức Mỹ, sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ xác minh với phái đoàn Hàn Quốc về điều ông Kim Jong-un muốn, tới soạn thảo nội dung mà Mỹ sẵn sàng trao đổi, cho tới điều phối với các đồng minh để đảm bảo mặt trận thống nhất.

Quá trình chuẩn bị sẽ không dễ dàng, nhất là khi Mỹ còn thiếu nhiều vị trí liên quan, ví dụ như Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc hay đặc phái viên về Triều Tiên.

Vậy liệu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đạt được thỏa thuận không? Các chuyên gia nhận định với ABC News là có khả năng.

Cuộc gặp trực tiếp sẽ đặt nền tảng cho điều hai bên muốn nhưng cũng có thể là tiền đề của một điều tồi tệ hơn. Thậm chí, Victor Cha, cố vấn châu Á hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, còn cảnh báo: “Động thái ngoại giao kịch tính của hai nhà lãnh đạo này cũng có thể đưa chúng ta tới gần chiến tranh hơn. Đàm phán thất bại cấp thượng đỉnh sẽ khiến các bên sẽ không thể nhờ cậy tới biện pháp ngoại giao nữa”.

Dù vậy, những dự đoán hay cảnh báo vẫn sẽ chỉ là dự đoán, cảnh báo. Thế giới vẫn phải chờ xem điều gì sẽ diễn ra vào tháng 5 tới để biết đàm phán Mỹ-Triều lần này có lại là một cơ hội bị bỏ lỡ nữa hay không.