Dân Việt

Nhận diện tham nhũng trong giáo dục

17/11/2011 07:01 GMT+7
(Dân Việt) - Lần đầu tiên, Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về thực trạng tham nhũng trong giáo dục và lắng nghe ý kiến để giải quyết.

9 khía cạnh tham nhũng

Theo Bộ GDĐT, tham nhũng giáo dục được “nhận diện” nổi cộm ở 9 khía cạnh: Chạy trường; chạy điểm; dạy thêm học thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền sản xuất sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng đề bạt, luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng; xà xẻo khi mua thiết bị dạy học và xà xẻo các kinh phí dự án giáo dục.

img
Học sinh tới trường với nhiều gánh nặng chi phí (ảnh minh họa).

Trong đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dạy thêm học thêm và tình trạng chạy điểm chạy trường được coi là hình thức tham nhũng biến tướng được nhiều phụ huynh “ủng hộ” nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hình ảnh của người thầy.

Một khảo sát mới nhất của Thanh tra Chính phủ về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tập trung ở 3 khía cạnh: Tuyển sinh trái tuyến, dạy thêm (dạy ngoài giờ), các khoản phí cũng cho thấy: Trong số 600 phụ huynh được hỏi có tới 240 người (40%) cho biết họ có nộp tiền cho con mình được nhận vào học ở một trường trái tuyến.

Nhưng nghịch lý ở chỗ hiện tượng này được tới 70% (trong số 240 người) coi là chuyện “bình thường” vì mục tiêu nhằm giúp con em họ được nhận vào một trường học tốt hơn. Hơn 15% số phụ huynh ở thành phố cho biết họ phải chi đến 20% hoặc hơn số thu nhập của mình cho mỗi đứa con đi học thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, tình trạng “loạn sách tham khảo” cũng được coi là những hình thức tham nhũng mới, vừa tinh vi vừa gây lãng phí nghiêm trọng cho xã hội.

“Bộ GDĐT đang có chủ chương cắt giảm chương trình sách giáo khoa. Nhưng sách giáo khoa cắt giảm bao nhiêu thì sách tham khảo lại mọc lên nhiều bấy nhiêu. Lãnh đạo một Sở từng thừa nhận với tôi rằng, ngoài sách giáo khoa học sinh còn phải mua thêm 18 - 21 cuốn sách tham khảo để học thêm” - ông Thuyết cho biết.

“10 năm ca mãi một bài”

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN thì cho rằng: “Đây là những căn bệnh trầm kha của giáo dục đương đại, 10 năm nay như một “bài ca” mà năm nào cũng ca, năm nào cũng phản ánh nhưng rút cục vẫn không giải quyết được điều gì”.

Có rất nhiều nguyên nhân được các chuyên gia giáo dục đưa ra để giải thích cho hiện tượng tham nhũng giáo dục ngày một biến tướng này, như: Cơ chế và văn hoá “xin - cho” đi kèm với quản lý kém và giám sát lỏng lẻo; hệ thống pháp lý chưa đầy đủ, thu nhập của giáo viên thấp, thiếu sự tham gia của cộng đồng... Tuy nhiên, theo giải thích của PGS Trần Xuân Nhĩ, tất cả đều nằm ở cơ chế bao cấp bất hợp lý cho giáo dục, trong khi công tác xã hội hoá giáo dục được thực hiện một cách nửa vời.

img Bộ có nhiều văn bản, chỉ thị, công văn rất rõ ràng về cấm dạy thêm, đưa sách tham khảo vào trường học...Tuy nhiên khi ban hành xuống địa phương thực hiện không đến nơi đến chốn. img

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Thuyết chứng minh: “Mỗi năm Nhà nước chi 20% ngân sách cho giáo dục. Nhiều địa phương, nhiều trường vẫn kêu thiếu ngân sách nhưng khảo sát cho thấy có tới 27 tỉnh không chi hết số ngân sách này cho giáo dục. Con số “thừa” đi đâu không ai biết” - ông Thuyết đặt câu hỏi.

Để chấm dứt tình trạng tham nhũng, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa, như: Cấm hội phụ huynh thu tiền dưới mọi hình thức, Hội đồng nhân dân địa phương phải trực tiếp đứng ra quản lý, tận dụng các tổ chức dân sự như hội cựu giáo chức vào công tác tuyên truyền nhận thức cho phụ huynh học sinh về các vấn đề tham nhũng giáo dục...