Dân Việt

Đòn hiểm duy nhất Mỹ ngăn vũ khí siêu thanh Nga

Tuấn Vũ 22/03/2018 14:30 GMT+7
Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược (StratCom) vừa tiết lộ phương án duy nhất Mỹ có thể dùng để đối phó với vũ khí siêu thanh Nga.

Phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tướng John Hyten đã thừa nhận sự yếu kém trong khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh Nga đồng thời tuyên bố cách StratCom dùng để đối phó với vũ khí siêu thanh của đối phương.

Tướng John Hyten tuyên bố: "Chúng tôi gặp khó khăn, hệ thống phòng thủ tên lửa là năng lực đánh chặn của chúng ta.

Chúng ta không có bất kỳ hệ thống nào có thể ngăn chặn được loại vũ khí như thế nhằm vào mình, chính vì vậy phản ứng của chúng tôi sẽ là lực lượng đánh chặn, là bộ ba hạt nhân, trước mối đe dọa như vậy".

img

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Trong bài phát biểu của mình Tướng Hyten còn cho biết Mỹ có thể tính đến việc triển khai tên lửa phóng từ tàu ngầm mang theo vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để đáp trả vũ khí Nga trong trận chiến siêu thanh và hạt nhân.

Với bộ ba hạt nhân Mỹ đang sở hữu bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, sẽ đóng vai trò là lá chắn tốt nhất trước bất kỳ mối đe dọa từ những đối thủ Nga, Trung Quốc.

Cùng với bộ 3 hạt nhân chiến lược, theo vị tướng này, với kho tên lửa hành trình khổng hiện có của Mỹ hoàn toàn có thể là một lựa chọn không tồi dùng cho nhiệm vụ đối phó với Nga khi vũ khí siêu thanh được sử dụng.

Vị tướng này cho rằng, tuy tên lửa hành trình có vận tốc chỉ đạt cận âm, thấp hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh nhưng khả năng tấn công và thời gian tiếp cận mục tiêu của nó sẽ được giảm xuống nhờ sự cơ động áp sát mục tiêu của các phương tiện mang phóng trên biển.

Trên lí thuyết, các tàu mặt nước của hải quân Mỹ hiện được trang bị tới hơn 4000 quả tên lửa hành trình, còn các tàu ngầm là hơn 1000 quả, tổng số tên lửa hành trình hải quân là hơn 5000 quả.

Tuy nhiên, do tính đa năng của các hệ thống phóng và việc phải mang các loại vũ khí khác (ví dụ như tên lửa phòng không) và chức năng, nhiệm vụ trên các chiến hạm, các tàu ngầm và tàu nổi của Mỹ hiện chỉ có thể mang theo tối đa 2500-3000 quả tên lửa hành trình.

Ngoài đòn tấn công tên lửa hành trình từ trên biển, Mỹ cũng có khả năng tấn công từ trên không với các máy bay ném bom.

Hiện không quân chiến lược Mỹ có khoảng trên 130 máy bay ném bom chiến lược các loại, mang theo số lượng tên lửa hành trình hơn 1200 quả.

Như vậy, về mặt lí thuyết, quân đội Mỹ có thể huy động tới 6200 quả tên lửa hành trình cho đòn tấn công phủ đầu, còn trên thực tế là vào khoảng 3700-4200 quả. Số tên lửa hành trình này sẽ được hỗ trợ bởi các máy bay mang tên lửa tấn công mặt đất chiến thuật.

Ngoài ra, lực lượng không quân, không quân của hải quân và không quân của hải quân đánh bộ Mỹ có thể huy động tổng lực cho đòn tấn công phủ đầu với số lượng từ 2500 - 3000 máy bay cất cánh cả trên đất liền và từ trên hạm.

Do đó, chưa tính tên lửa đạn đạo, lực lượng không quân và hải quân Mỹ chỉ sử dụng các tên lửa hành trình chiến thuật và chiến lược cũng đã có thể tấn công hủy diệt hơn 1000 mục tiêu trọng yếu của địch, ngay từ loạt tấn công phủ đầu.

Nga cho rằng kế hoạch dùng bộ 3 hạt nhân và tên lửa hành trình đối phó với vũ khí siêu thanh Moscow của Mỹ uy hiếp nghiêm trọng đến lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Tuy nhiên, đây là phương án tiêu cực nhất, Nga không kịp phòng thủ và đáp trả, khiến nước này tổn thất tới 80-90% lực lượng tấn công hạt nhân. Trên thực tế, khả năng Nga phải chịu đòn tấn công này là rất thấp.

Và nếu nó thực sự xảy ra, thì tỷ lệ thiệt hại cũng chưa chắc đã đúng như lí thuyết và sau đó những hậu quả của sự đáp trả cũng sẽ rất khốc liệt, khiến những ý định của các quan chức quốc phòng Mỹ chỉ dừng lại ở những tuyên bố.