Dân Việt

Nông dân góp tiền học nghề

17/11/2011 07:51 GMT+7
(Dân Việt) - Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã tự bỏ tiền đi học nghề trồng dâu nuôi tằm. Và nghề này đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, làm giàu.

Ông Đỗ Doãn Cường - Chủ tịch UBND xã Thiệu Tân cho hay, trồng dâu nuôi tằm ở Thiệu Tân có cách đây vài chục năm, tuy nhiên do chưa được học hành bài bản, bà con chủ yếu làm theo kinh nghiệm, truyền thống, nên năng suất tơ thấp, thu nhập bấp bênh.

img
Bà Thế áp dụng kiến thức đã học vào chăm tằm.

Có học có hơn

"Mặc dù chưa được hưởng hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhận thấy nhu cầu tơ tằm ngày càng cao, lại có lợi thế là vùng đất trồng dâu, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp cùng với chính quyền xã để học nghề. Đến nay, xã có 450/750 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ đi học mà năng suất tơ dần tăng lên" - ông Cường thông tin.

Anh Đỗ Trọng Thương, thôn 2 kể: "Đi học, chúng tôi đóng 20% kinh phí, còn 80% xã hỗ trợ. Giáo viên là những thầy giỏi ở các trung tâm, trường trung cấp nghề của tỉnh về dạy. Mặc dù mất tiền, nhưng chúng tôi rất vui, bởi được học, chúng tôi mới biết kỹ thuật trồng dâu, ươm tơ, kéo kén cho năng suất cao".

Ông Cường thông tin thêm, đầu năm 2011, xã mở lớp học nghề đầu tiên với 35 học viên. Khóa học trong một tháng, mặc dù học liên tục nhưng không có học viên nào bỏ học giữa chừng. Từ nay đến cuối năm, xã sẽ mở tiếp hai lớp trồng dâu nuôi tằm nữa. Ông Cường khẳng định, kết quả này là nhờ sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Nguyện vọng của bà con đi học để có kiến thức làm nghề, chứ không phải học để được hưởng… hỗ trợ, nên ai cũng sẵn sàng bỏ tiền đi học.

Thu nhập cao

Điều vui nhất, kết thúc khóa học cũng là kết thúc vụ thu hoạch dâu tằm năm nay, nhiều hộ học viên đã có thu nhập hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng trong năm nay. Ông Trần Văn Cam, thôn 3 là một trong những học viên tích cực của lớp trồng dâu nuôi tằm tâm sự: "Trước đây, khi chưa được học, tằm nhà tôi hay bị bệnh, chết rất nhiều, cuối vụ chẳng thu được bao nhiêu. Sau khi đi học, bãi dâu và đàn tằm của gia đình tôi năng suất tăng rõ rệt. Bệnh tằm chết, chán ăn… bây giờ tôi xử lý ngon rồi".

img Sau khi đi học và áp dụng vào sản xuất, bãi dâu và đàn tằm của gia đình tôi năng suất tăng rõ rệt. Bệnh tằm chết, chán ăn... bây giờ tôi xử lý ngon rồi. img

Ông Trần Văn Cam

Gia đình ông Cam trồng 1.700m2 dâu, trung bình mỗi năm thu 3 - 4 lứa tằm, mỗi lứa khoảng 90kg tằm nhộng, và hàng chục yến tơ. "Trừ chi phí, năm nay gia đình tôi thu về khoảng 50 triệu đồng. Nếu cứ làm "tù mù" như trước may ra đủ ăn thôi" - ông Cam khoe.

Cùng thôn với ông Cam và cũng thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm nay gia đình bà Lê Thị Thế vật lộn với nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng vẫn không sao thoát khỏi cái nghèo. Là một trong số 35 học viên lớp học trồng dâu nuôi tằm của xã, bà Thế đã thu được rất nhiều điều bổ ích từ lớp học. Năm nay còn một lứa tằm nữa, nhưng gia đình bà đã lãi 40 triệu đồng.

Bà Thế phấn khởi: "Các giáo viên dạy rất nhiệt tình, vừa học vừa thực hành nên chúng tôi nắm rất nhanh và kỹ kiến thức. Đúng là "không thầy đố mày làm nên". Xã còn giới thiệu cho chúng tôi nơi tiêu thụ sản phẩm. Nhờ chất lượng tằm tốt nên nhiều người đã tìm đến tận nơi để mua. Tôi mong xã tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề để giúp chúng tôi có kiến thức làm ăn mới có thể thoát nghèo, làm giàu".