Theo đó hai bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong đợt xem xét lần này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế chống bán phá giá ở mức 7,74 USD/kg. Các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế 3,78 USD/kg.
Ngay sau thông tin được DOC công bố, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị sốc. Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết mức thuế trung bình cho các doanh nghiệp còn lại là 3,78 USD/kg, gần tương đương với giá cá tra đang xuất khẩu vào Mỹ hiện tại nên chắc chắn tới đây, chúng ta không thể xuất khẩu cá tra sang Mỹ được nữa.
“Hiện VASEP và các doanh nghiệp đang làm việc với luật sư để phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến việc DOC đưa ra mức thuế quá cao nói trên để có những phản ứng tiếp theo”, ông Hoè nói.
Cá tra Việt Nam bắt đầu lâm cảnh u ám khi cửa vào Mỹ chịu thuế quá cao.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã gặp khó khăn nhiều hơn trong hai năm trở lại đây, khi mức thuế chống bán phá giá liên tiếp tăng cao cùng với các hàng rào kỹ thuật khác. Hồi giữa năm ngoái, dù bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố có tổng số 62 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra sang Mỹ được chấp nhận, nhưng thực tế có chưa tới mười doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và chỉ có ba doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu đáng kể.
Các doanh nghiệp đó là Vĩnh Hoàn, Nam Sông Hậu, Biển Đông, và năm 2017 có thêm Hùng Vương nhưng phải chịu mức thuế 40 cent/kg, vì là bị đơn bắt buộc (không thương lượng mua thuế).
Một số doanh nghiệp, như Vĩnh Hoàn, để có được mức thuế chống bán phá giá 0%, lẽ đương nhiên hàng năm, thông qua các văn phòng luật sư tại Mỹ, họ phải chi hàng chục triệu đô la cho nguyên đơn vụ kiện là hiệp hội Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Các khoản chi tiền (dưới dạng thoả thuận) để được thuế suất thấp buộc doanh nghiệp phải tính vào giá thành xuất khẩu, đây là bài toán khá đau đầu, vì doanh nghiệp phải cân đối lượng cá xuất khẩu trong năm, nếu xuất không đủ sản lượng sẽ bị lỗ tiền mua thuế.
Những doanh nghiệp không bỏ tiền thương lượng, phải chịu thuế suất cao, muốn bán cá vào Mỹ phải mua lại code từ những doanh nghiệp thuế suất 0%. Giá mua code tuỳ vào mức giá mà doanh nghiệp đem bán đã phải chi bao nhiêu tiền cho CFA. Thường, một container được quy định 500 – 1.000 USD tuỳ năm, tuỳ thời điểm. Và như vậy, chỉ riêng thị trường Mỹ, dù lâu nay, mỗi năm xuất khẩu cá tra vẫn đạt 300 – 400 triệu đô la, nhưng để có con số này, doanh nghiệp phải đồng thời chịu hai lần mua thuế, một ở Mỹ và một ở tại Việt Nam.
Chưa kể, ngoài rào cản thuế chống phá giá, thị trường Mỹ còn được đánh giá là thị trường khó tính nhất về hàng rào kỹ thuật, chất lượng. Một số ít doanh nghiệp có được mức thuế suất thấp, lại phải đối mặt với rào cản kỹ thuật trong đạo luật Nông trại của Mỹ, tức chương trình Farm Bill.
Từ ngày 2.8.2017, cơ quan Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ tại các I-house. Việc kiểm tra các lô hàng của FSIS khiến cho hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ của các doanh nghiệp gặp khó khăn, do phát sinh chi phí và thời gian cho việc tái kiểm tra tại Mỹ.
Rõ ràng, khi Mỹ nâng thuế chống bán phá giá lên cao nhất từ trước đến nay, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên ngành cá tra. Bởi tới đây, Trung Quốc (đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất) sẽ nhân sự kiện này để tìm cách ép giá. Hiện, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg. Giá này sẽ khó giữ khi thông tin thuế chống bán phá giá vừa được DOC công bố.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bình luận: hiện tại, việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp thuận lợi, nhưng cách thức mua bán thì lại gây bất lợi; vì có ít doanh nghiệp bán trực tiếp vào đây, còn lại chủ yếu là thương nhân Trung Quốc sang tận vùng nuôi, bỏ tiền thuê các nhà máy đi mua gom nguyên liệu, sau đó làm gia công cho họ xuất về. Tới đây, các thương nhân này có thể lợi dụng thông tin xuất cá vào Mỹ gặp khó để bắt tay nhau làm giá, chèn ép người nuôi.