Hậu quả nhãn tiền
Trong đợt dịch cúm năm nay tại Mỹ, người ta ghi nhận hàng ngàn người mắc bệnh phải nhập viện điều trị. Bệnh cũng cướp đi sinh mạng nhiều người, trong đó chỉ tính trẻ em là gần 100 ca. Phần lớn các trẻ này không được chích ngừa vì cha mẹ chúng sống theo trường phái… nuôi con thuận tự nhiên.
Nuôi con thuận tự nhiên, theo những người này, là không can thiệp bất kỳ phương pháp khoa học nào cho trẻ: sinh trẻ tại nhà, không chích vắc xin, không dùng kháng sinh, dùng sữa mẹ trị mọi loại bệnh, kể cả ung thư!
Dịch cúm mới nhất xảy ra ở Mỹ, nhưng chắc nhiều người không quên trận dịch sởi kinh hoàng ở nước ta vào năm 2014, gây bệnh cho hơn 7.000 người và hơn 100 trẻ tử vong. Đa phần các trẻ này không được chích ngừa hoặc chích không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cha mẹ chúng thuộc phái anti-vaccine (chống vắc xin).
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, nhưng thần thánh hóa nó như thuốc chữa bách bệnh thì thật sự nguy hiểm. Ảnh: TLTA.
Sinh trẻ tại nhà ở nước ta là bắt chước một trào lưu xuất hiện trong chục năm gần đây tại vài nước phương Tây. Y học phản bác mạnh mẽ, vì cho rằng nó gây nhiều nguy cơ cho mẹ lẫn con. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 130 triệu ca sinh trên thế giới, trong đó có hơn 300.000 ca tử vong mẹ, 2,6 triệu ca thai chết lưu và 2,7 triệu em bé tử vong trong 28 ngày đầu đời. Nhiều lý do dẫn đến các bi kịch này, có lý do sinh nở không an toàn tại nhà.
Tuần qua có thông tin tại TP.HCM xảy ra ca tử vong mẹ, con sau khi sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà. Cơ quan chức năng xác minh đây chỉ là tin đồn, nhưng theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ của mẹ và bé, đe doạ các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé.
Trong năm 2017, riêng tại bệnh viện Từ Dũ có 68.921 ca sinh con, trong đó có 3.390 ca tiền sản giật (sản phụ bị tăng huyết áp, nguy cơ sản giật), 1.617 ca băng huyết sau sinh, 2.086 ca thai suy trong khi chuyển dạ, 1.291 ca bé sinh đủ tháng bị vàng da cần đến can thiệp y tế. Chưa kể nhiều ca sản phụ không thể sinh ngả âm đạo do ngôi thai không thuận lợi. Nhờ sinh tại bệnh viện mà những ca này được can thiệp kịp thời, bảo đảm sức khoẻ cho mẹ và bé. Vậy liệu nếu sinh nở tự nhiên tại nhà không có nhân viên y tế giúp đỡ, những ca sinh khó này sẽ như thế nào?
Vì sao trào lưu phản khoa học tồn tại?
Vài ngày sau khi fanpage của một hội cổ suý sống thuận tự nhiên bị sập, một fanpage mới lại mọc lên tiếp tục hoạt động. Một thành viên chủ lực của nhóm này trấn an: “Kiến thức ở nhóm cũ đã bị sập sẽ được cập nhật lại, các bạn chuẩn bị tinh thần tải về nghiên cứu”.
Khó thống kê hết có bao nhiêu fanpage và trang mạng đang ngày đêm gieo rắc những kiến thức ăn uống, tập luyện, chữa bệnh phản khoa học. Hàng ngàn người đang mụ mị vì những thông tin không kiểm chứng, thiếu xác thực, thậm chí nguy hại này.
Vì sao một người không phải là bác sĩ, chỉ học 120 giờ online về tư vấn sữa mẹ nhưng không được cấp bằng chứng nhận, tự xưng là “chuyên gia sữa mẹ” lại có thể thu hút hàng ngàn người đi theo mình suốt những năm qua bằng các kiến thức phi lý như “nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để trị loét giác mạc”, “sữa mẹ trị được ung thư”, “sữa mẹ giúp trẻ mọc lại ngón tay bị mất”… ?
Trong buổi giao lưu với độc giả nhân ra mắt cuốn Để yên cho bác sĩ “HIỀN” của mình cuối tuần qua tại TP.HCM, BS Ngô Đức Hùng, đại học Y Hà Nội, cho biết mạng xã hội có hai mặt, mặt tích cực giúp thông tin được lan toả nhanh chóng, nhưng mặt tiêu cực lại tạo ra một số cá nhân ảo tưởng về mình. Khi đạt vị trí nhất định ở một khía cạnh nào đó, họ ngộ nhận về mình, cho rằng những gì mình thu thập được là chân lý.
BS Hùng nói: “Họ đáng thương hơn đáng trách, vì không nhận ra mình đang đi sai đường. Lan toả cảm hứng nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ là điều rất tốt, nhưng cần phải hiểu rằng sữa mẹ chỉ là nguồn dinh dưỡng chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Nếu chúng ta “thần thánh hoá” sữa mẹ, không có đầu óc suy xét đúng sai thì dễ lãnh những hậu quả nguy hiểm”.
Có ý kiến cho rằng chính giới truyền thông đã tiếp sức cho “giáo chủ” đứng đầu các trang mạng phản khoa học, bằng cách gán cho họ những danh xưng như “chuyên gia sữa mẹ”, “thạc sĩ sữa mẹ”. Nhưng theo BS Hùng, thực sự một phần lỗi ở đây chính là sự “thờ ơ” của nhân viên y tế. Anh phân tích: “Nhân viên y tế đã “đóng cửa” quá lâu và quá nhiều với báo chí. Khi không có được thông tin chính thống, người viết báo phải “suy đoán” hoặc tìm kiếm những thông tin không chính thống”.
Năm năm qua, âm thầm tư vấn về sữa mẹ cho nhiều phụ nữ, BS Lê Ngọc Anh Thy, công tác tại bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, người Việt Nam duy nhất hiện nay được công nhận là “chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế” (IBCLC = International Board Certified Lactation Consultant), thừa nhận mình rất ngại tiếp xúc với báo chí. Tuy nhiên, chị cho biết, sắp tới sẽ thay đổi bằng cách viết sách, viết báo, sao cho những thông tin hữu ích, chính xác được lan toả với nhiều người.