4 lĩnh vực hợp tác cụ thể
Một trong những mục tiêu lớn của chương trình (Chương trình Aus4Skills) hợp tác được hai bên nhấn mạnh thông qua là tăng cường và thúc đẩy hợp tác giữa các bên trên cơ sở có đi có lại và hai bên cùng có lợi.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là mục tiêu trọng tâm của sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia. (Ảnh minh họa). Ảnh: Minh Nguyệt
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức buổi lễ ra mắt Ban tư vấn đào tạo ngành logictics; tổ chức các khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng về phát triển chương trình đào tạo dựa trên năng lực thực hiện cho 5 nghề. |
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, các chương trình hợp tác được thực hiện theo nguyên tắc tăng cường hợp tác liên chính phủ thông qua tham vấn giữa hai bên nhằm thực hiện các hoạt động hai bên cùng quan tâm, bao gồm các hoạt động trên các diễn đàn đa phương.
Trên cơ sở mục tiêu và nguyên tắc, bản ghi nhớ giữa hai bên đưa ra 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể. Đầu tiên là chính sách, quản trị và kiểm định chất lượng. Thứ hai, hai bên phối hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự và giáo trình. Thứ ba, giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ thúc đẩy liên kết chất lượng cao giữa các tổ chức đào tạo của Australia và các cơ sở đào tạo có chất lượng tại Việt Nam; thực hiện chia sẻ thông tin về hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời áp dụng các công nghệ giáo dục mới, kết hợp giữa học trực tuyến và đến lớp và quản lý các công nghệ đổi mới giáo dục.
“Nội dung cuối cùng là thúc đẩy việc trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên và các chương trình trao đổi khác, trên cơ sở đồng thuận chung của hai bên; thúc đẩy các học bổng quốc tế do Chính phủ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả hai bên. Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng khẳng định đối với các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục nghề nghiệp sẽ do hai bên cùng thống nhất” – Bộ trưởng Dung thông tin thêm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Bộ trưởng Dung cho rằng, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với thế giới thì hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, có nền giáo dục nghề nghiệp tốt là hoạt động quan trọng.
Những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức khác nhau và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Cụ thể, chương trình hợp tác chuyển giao 12 bộ chương trình giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Học viện Chisholm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Thông qua chương trình hợp tác này, phía Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, ngoại ngữ... tại Australia.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, 25 trường cao đẳng của Việt Nam đã được Học viện Chisholm công nhận đủ tiêu chuẩn về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống quản trị... cho phép đào tạo trên 800 sinh viên, chia thành 41 lớp học theo tiêu chuẩn của Australia. Số sinh viên này khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng của Australia và bằng cao đẳng của Việt Nam.