Dân Việt

Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ chung cư

Trường Phong 26/03/2018 09:14 GMT+7
Lấy ví dụ về vụ cháy chung cư đáng tiếc xảy ra ở TP.HCM khiến nhiều người thương vong, các đại biểu đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) làm rõ việc khắc phục nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư tái định cư, chung cư thương mại trên địa bàn.

Rất lo ngại

Chiều 23.3, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại quận Bắc Từ Liêm. Phát biểu tại đây, ông Vũ Ngọc Anh, Phó ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, báo cáo của quận Bắc Từ Liêm chưa nêu rõ các kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra.

“Báo cáo nói có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, kết quả báo cáo không thấy số liệu xử lý vi phạm. Tôi rất muốn xem trong 104 tòa nhà chung cư đã đưa dân vào ở có bao nhiêu tòa đã được nghiệm thu về PCCC, bao nhiêu tòa chưa được nghiệm thu”, ông Anh nói. Ông Anh lấy dẫn chứng về vụ cháy chung cư nghiêm trọng xảy ra ở TP.HCM rạng sáng 23.3, đồng thời cho rằng, khi có vụ cháy xảy ra, phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.

“Phải rõ ràng với nhau rằng chúng ta không thể đổ cho PCCC hay cho chủ đầu tư được mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Anh quản lý địa bàn cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Anh nêu quan điểm. Ông Anh cũng đặt câu hỏi về 7 tòa nhà chung cư tái định cư trên địa bàn quận nằm trong dự án chỉ đạo tập trung nghiên cứu, đầu tư hoàn thiện hệ thống PCCC của thành phố. “Giá trị dự án trên toàn thành phố là 170 tỷ, hiện nay tiến độ ở quận Bắc Từ Liêm thế nào? Có vướng mắc gì không vì theo chỉ đạo phải hoàn thiện vào quý II/2017 nhưng đến nay vẫn chưa xong và chưa rõ thế nào”, ông Anh nói.

Nhiều đại biểu của đoàn giám sát cũng tập trung đặt câu hỏi về vấn đề an toàn PCCC của chung cư. Một đại biểu nhấn mạnh, trên địa bàn quận có 21 chung cư được thực hiện theo cơ chế tự quản. Điều này khiến ông lo ngại vì không nắm được công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống PCCC như thế nào. Ai là người có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo tình hình an toàn PCCC.

img

Chung cư Đồng Phát Park View (Hoàng Mai) đưa người dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC.

“Một số công trình bàn giao cho người dân vào ở nhưng chưa được nghiệm thu PCCC dẫn đến tình trạng rất nguy hiểm. Cần làm rõ về sự phối hợp giữa quận và cơ quan PCCC. Nếu đã thông báo thời gian dài mà lực lượng PCCC không có phản hồi thì trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân thế nào?”, vị này đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội thành phố Hà Nội) phân tích, hiện Bắc Từ Liêm có 104 tòa chung cư với khoảng 15 nghìn căn hộ, nhưng trong tương lai sẽ có hàng trăm tòa nhà với hàng vài trăm nghìn căn hộ.

“Vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn như thế nào khi tỷ trọng người dân ở trong chung cư rất lớn. Rất nhiều vấn đề đặt ra. Ví dụ sơ xảy có cháy nổ thì lúc đó phải liên quan đến trách nhiệm của cấp này cấp kia, bộ phận này bộ phận kia. Chúng ta nhìn thấy trước thì sẽ hạn chế được hậu quả”, ông Bình nói.

Ý thức người dân còn kém

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, công tác PCCC trong các tòa nhà chung cư đã nhiều lần được thành phố rà soát, kiểm tra, đánh giá. “Đề nghị đại diện Phòng cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn nói về tình trạng PCCC của các chung cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm còn tồn tại những gì, cần khắc phục những gì để tránh xảy ra các thảm họa như các đại biểu đã nêu. Nếu xảy ra cháy chung cư thì hậu quả rất lớn nên chủ yếu phải phòng là chính”, ông Quân nói.

Trả lời vấn đề này, Trung tá Bùi Đăng Tuấn, Phó phòng cảnh sát PCCC số 3 cho rằng, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 7 tòa tái định cư, hầu hết đã được xây dựng từ lâu. “Ở chung cư tái định cư có nhiều vấn đề liên quan đến khâu quản trị, quỹ 2% và đều có liên quan đến công tác PCCC. Khi không ổn định được tổ chức thì công tác PCCC cũng rất khó”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn ví dụ, nhiều khi cảnh sát PCCC phối hợp với cán bộ phường xuống tuyên truyền, hướng dẫn nhưng chỉ có một vài đảng viên xuống tham dự. “Ý thức người dân chưa cao”, ông Tuấn nói.

Riêng về các chung cư thương mại cao tầng, ông Tuấn cho biết, từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị chức năng đã rà soát được 79 chung cư cao tầng trên địa bàn toàn thành phố chưa được nghiệm thu PCCC, trong đó có 10 tòa thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm. “Từ năm 2017 chúng tôi đã rà soát 10 tòa nhà này và đã hướng dẫn cho các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các kiến nghị. Đến nay 9 tòa nhà đã thực hiện và nghiệm thu, đã đưa vào sử dụng, còn 1 tòa sẽ khắc phục trong thời gian tới”, ông Tuấn nói thêm. Theo ông Tuấn, có được kết quả này, lực lượng PCCC phải rất quyết liệt, cứ 15 ngày lại xuống lập biên bản xử lý một lần.

Chia sẻ thêm về khó khăn, ông Tuấn nói, nhiều tòa chung cư có tranh chấp diện tích chung riêng, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng gây khó khăn cho PCCC. Với các tòa nhà tái định cư, tầng 1,2,3 thường xuyên thay đổi công năng sử dụng. Hơn nữa, nhiều tòa chưa phân định rõ chủ thể quản lý, nên lực lượng PCCC xuống không biết làm việc với ai, ai là người ký biên bản và nộp phạt. Ông Tuấn đề nghị các tòa chung cư cao tầng phải thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống PCCC đã được trang bị, tránh tình trạng lâu ngày các phương tiện vật chất kỹ thuật bị hư hỏng. Người được giao vận hành cũng phải nắm được quy trình cụ thể.

“Các tòa nhà phải thường xuyên tập huấn,diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, đặc biệt đối với các chung cư đông dân cư. Theo quy định 1 năm phải tổ chức 1, 2 lần. Càng sát thực tế càng tốt để người dân có kỹ năng...”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng khuyến cáo, các tòa nhà chung cư nên cắt tỉa cây xanh gọn gàng, tránh việc cản trở xe cứu hỏa khi có cháy, những lối vào dành riêng cho xe thang, xe cứu hỏa không được chuyển đổi sang làm bãi trông giữ xe...

Cháy chung cư tại Khu đô thị Văn Khê

Khoảng 10h sáng 25.3, tại tòa chung cư CT5 trong khuôn viên khu đô thị Văn Khê (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ xuất hiện đám cháy tại một căn hộ ở tầng 21. Tại hiện trường, căn phòng tại tầng 21 của tòa nhà bị cháy đen, nhiều vật dụng trong phòng bị thiêu rụi, khói đen bốc nghi ngút, cửa kính bị vỡ. Một số nhân chứng cho biết, khi xảy ra đám cháy, chuông báo cháy không hoạt động, họ chỉ biết có cháy khi nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa. May mắn vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy & chữa cháy TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để khống chế đám cháy. Đến chiều cùng ngày, nhiều người dân vẫn lo lắng, chưa dám trở về căn hộ của mình.

    Hiểu Minh