Gần đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa đã quyết định hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm lại theo hướng Ngô Văn Tình có tội.
Trước đó, tháng 10.2017, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, tuyên bố hành vi của Tình là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội Cố ý gây thương tích…
Cắn môi chống trả thì bị tội
Theo hồ sơ, Tình và Trương Minh Trí là anh em họ. Một ngày tháng 7.2012, cả hai chơi bài tại nhà Tình. Trí xin Tình thuốc lá, Tình không cho nên hai bên cãi cọ rồi xô xát.
Trí về nhà lấy hai con dao rồi quay lại. Thấy Tình đang đứng trước sân, Trí ném dao về phía Tình nhưng không trúng. Tình bỏ chạy vào nhà. Trí cầm con dao còn lại đuổi theo vào tận phòng ngủ rồi vật đè Tình xuống đất. Tình bèn dùng tay kéo cổ Trí xuống rồi cắn vào môi.
Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Long An hồi tháng 9.2012, Trí bị vết sẹo thiếu hỏng môi dưới phải, đường kính 1 cm, gây ảnh hưởng thẩm mỹ. Sức khỏe của Trí bị giảm do thương tích gây nên là 15%.
Tình bị khởi tố, truy tố, bị TAND huyện Thạnh Hóa phạt chín tháng cải tạo không giam giữ về tội Cố ý gây thương tích và buộc bồi thường cho Trí 5,9 triệu đồng. Tình kháng cáo kêu oan, còn Trí kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng mức bồi thường. Tháng 6.2014, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã phạt Tình sáu tháng tù về tội trên và giữ nguyên mức bồi thường.
Ngô Văn Tình hàng ngày vẫn đi làm thuê và chờ tòa xử lại vụ cắn môi người bà con.
Giám đốc thẩm hủy án giám đốc thẩm
Vợ Tình khi đó mới sinh con được vài tháng nên Tình làm đơn xin hoãn thi hành án. Tuy nhiên, khi chỉ còn bốn ngày nữa là đến giao thừa (ngày 14.2.2015), Tình bị bắt đi thi hành án. Chấp hành xong án tù, Tình tiếp tục làm đơn khiếu nại kêu oan.
Tháng 6.2016, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, tuyên bố hành vi của Tình là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm và đình chỉ vụ án.
Bốn tháng sau, tại phiên họp giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị Ủy ban Thẩm phán chấp nhận kháng nghị. Sau khi xem xét, Ủy ban Thẩm phán đã hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, tuyên bố hành vi của Tình là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm và đình chỉ vụ án.
Tháng 5.2017, Tình làm đơn yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan thì TAND tỉnh Long An thông báo đang chờ kết quả xem xét của TAND Tối cao đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Tháng 8.2017, đoàn khảo sát tình hình xét xử các vụ án tham nhũng, oan sai… của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về làm việc tại Long An. Báo cáo với đoàn giám sát, Chánh án TAND tỉnh Long An Lê Văn Lợi cho biết vụ án này hiện chưa thể xin lỗi và bồi thường cho người bị oan bởi TAND tỉnh Long An đang kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Ngày 30.8.2017, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã ký kháng nghị theo hướng đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm lại. Gần đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM, giao hồ sơ cho cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng Tình có tội.
Tình đang chờ TAND tỉnh Long An xét xử phúc thẩm lại vụ án. Như vậy, một vụ án hình sự tưởng chừng đơn giản nhưng sáu năm nay vẫn chưa có hồi kết.
Lập luận của Tòa Cấp cao và Tòa Tối cao
Theo quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, xét diễn biến từ đầu cho đến khi kết thúc sự việc, Trí chủ động tìm hung khí, sang nhà Tình, rượt đuổi Tình vào tận buồng ngủ, liên tục tấn công Tình như đè Tình xuống đất, ngồi lên bụng Tình để khống chế và tiếp tục đánh Tình.
Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm cho rằng hành vi của Trí đã kết thúc, không còn nguy hiểm đến Tình nữa là không đánh giá đúng bản chất và diễn biến khách quan của vụ án. Trong trường hợp này, Tình đang ở trong tình trạng không lối thoát nên việc Tình ôm cổ Trí và cắn vào môi của Trí nhằm mục đích cho Trí buông ra được xem là hành vi phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm.
Trong khi đó, theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã không xem xét đầy đủ, toàn diện quá trình diễn biến của vụ án từ nguyên nhân, động cơ, mục đích và hành vi khách quan của Tình mà quá nhấn mạnh việc Trí là người cầm hai con dao qua nhà Tình đánh nhau với Tình. Việc cho rằng Tình phòng vệ chính đáng là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
Bởi lẽ việc Tình và Trí đánh nhau là có thật. Trong lúc hai người đánh nhau, Tình cắn môi Trí gây thương tích 15%. Do đó hai cấp tòa ở Long An xử Tình có tội là đúng. Xét Tình phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định nên xử Tình chín tháng cải tạo không giam giữ là tương xứng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do Tình thực hiện. Tòa phúc thẩm xử sáu tháng tù là có phần nghiêm khắc nên cần xử lại.
Xử nhẹ hơn cũng không được bồi thường
Nhận quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao, Ngô Văn Tình than: “Giờ kêu tỉnh xử lại vụ án của tôi, kêu tôi có tội, xử chín tháng cải tạo không giam giữ như tòa huyện là đúng. Vậy sáu tháng tù mà tòa tỉnh xử tôi, tôi chấp hành rồi tính sao, ai thường cho tôi?”.
Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) nhận xét về thắc mắc này: “Dù Tình đã chấp hành xong sáu tháng tù nhưng xử lại Tình được án treo hoặc hình phạt khác nhẹ hơn thì cũng phải chịu vì không có quy định về bồi thường trong trường hợp này”.