Dân Việt

Xây dựng bến xe Miền Đông mới: Chủ đầu tư "cầu cứu" thành phố

Hữu Ký 26/03/2018 13:16 GMT+7
Theo kế hoạch, dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới (TP.HCM) được hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn đang "cầu cứu" thành phố tháo gỡ vướng mắc tại công trình giao thông trọng điểm này. 

Dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới là một trong những công trình trọng điểm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối giao thông khu vực, kết nối đường bộ đường sắt, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay chưa thành hình hài vì nhiều lý do khác nhau.  

Thông tin từ chủ đầu tư - Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết dự án vẫn đang được triển khai nhưng khối lượng công việc hoàn thành chậm. Phần hạ tầng kỹ thuật toàn khu (triển khai từ 26.4.2017), đơn vị thi công thực hiện công tác san nền, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường, cống thoát nước, cấp nước, điện với khối lượng 80%.

Phần nhà ga, đơn vị thi công đóng được 99% khối lượng cọc đại trà – tầng hầm, còn thân nhà ga đang triển khai đấu thầu cho các gói thầu. Phần hệ thống cống thoát nước của dự án vẫn đang được thỏa thuận để kết nối về phía cống thoát nước trên đường A8 và Quốc lộ 1.

img

Một trong hai căn nhà còn "cố thủ" ở khu vực thi công bến xe Miền Đông mới.

Giải thích lý do chậm tiến độ, đại diện Samco cho biết việc thi công dự án gặp nhiều trở ngại. Đến nay còn 2 trường hợp trên thực địa chưa đồng ý giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến việc thi công. Công tác giao thuê đất chậm trễ cũng làm ảnh hưởng đến việc hợp tác đầu tư.

Vị trí thi công đường D11, E3 trùng với vị trí đường tạm hiện hữu và do đường A8 (thuộc dự án khác) chưa thi công nên vẫn phải duy trì đường tạm để phục vụ đi lại cho các hộ dân và các xí nghiệp giáp ranh. Nhà đầu tư vừa phải thi công đường D11, E3 vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên đường tạm gây ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ thi công. Ngoài ra do chưa triển khai thi công đường A8 nên việc thoát nước của dự án không thể thực hiện theo kế hoạch.

Đáng chú ý, các đường F1, F2, F3, F4 (kết nối với xa lộ Hà Nội) không thể hoàn thành đúng tiến độ do còn vướng mặt bằng thi công thuộc tuyến Metro số 1 và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.

Trong khi đó, việc mở rộng trục đường 13 hiện hữu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 nên Samcon không thể đảm bảo việc thi công đấu nối hệ thống giao thông và thoát nước tại khu vực đúng tiến độ. Mặt khác việc chậm trễ đầu tư đường số 13 ảnh hưởng đến việc khai thác bến xe khi đưa vào hoạt động, đồng thời gây ùn tắc giao thông do khu vực này xe tải, container lưu thông nhiều và thường xuyên.

Để đảm bảo công tác thi công, ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc Samco cho biết đã đề nghị UBND Q.9 sớm giải quyết mặt bằng dứt điểm đối với hai hộ còn lại, đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan xem xét trong việc thẩm định lại giá đất. Samco đề nghị thành phố chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng dự án đường A8 thực hiện công tác đảm bảo thoát nước, đi lại của người dân trong khu vực giáp ranh với bến xe.

Theo ông Pha, Samco đề nghị các đơn vị liên quan sớm bàn giao mặt bằng phần đất trong phạm vi tuyến Metro để thi công các tuyến đường nối xa lộ Hà Nội. Đặc biệt Samco kiến nghị thành phố có kế hoạch triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới, mở rộng đường 13 và Hoàng Hữu Nam phù hợp với tiến độ xây dựng bến xe. Điều này nhằm đảm bảo cho hoạt động bến xe khi đưa dự án vào sử dụng.

Dự án xây dựng bến xe miền Đông mới được khởi công từ đầu năm 2017 với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng. Phạm vi thực hiện dự án rộng 16ha nằm trên địa bàn P.Long Bình (Q.9, TP.HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Theo thiết kế, bến xe Miền Đông mới bao gồm các hạng mục: Nhà ga trung tâm, đất bến bãi công trình công cộng và phụ trợ, trạm xe buýt 2 tầng; khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa; khu thương mại dịch vụ…