Nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt Hội đồng khoa học, cho biết: “ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại một con người như vậy, một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước “không thể lay chuyển’’...
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892 – 1945)
Phạm Quỳnh (1892 – 1945) quê Hải Dương, bút hiệu Thượng Chi, là nhà chính trị, nhà văn hóa tiêu biểu xuất sức đầu thế kỷ XX. Ông là người sáng lập và chủ bút Nam Phong tạp chí. Đây là tờ báo có sức ảnh hưởng rộng lớn đầu thế kỷ. Trong gần 20 năm hoạt động (1917 – 1934), Nam Phong tạp chí là cây cầu nối đưa tri thức đến với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam từ 100 năm trước. Phạm Quỳnh thuộc nhóm “Tràng An tứ hổ” gồm: Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố và Phạm Duy Tốn (gọi tắt là Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn).
Khi vua Bảo Đại chấp chính, Phạm Quỳnh vào Huế làm Ngự tiền Tổng lý Văn phòng, rồi Thượng thư Bộ Học, Thượng thư Bộ Lại trong triều đình mười năm liên tục. Cách mạng tháng Tám 1945, Phạm Quỳnh mất tại Huế. Các tác phẩm ông để lại tiêu biểu có: Thượng Chi văn tập, Pháp du hành trình nhật ký, Hoa Đường tùy bút… Câu nói nổi tiếng của ông đó là: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”…
Được sáng lập vào năm 2007, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đồng thời cũng là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh làm Chủ tịch và Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Phó Chủ tịch. Giải thưởng Phan Châu Trinh gồm có các hạng mục: giải Dịch thuật, giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục, giải Nghiên cứu, giải Việt Nam học và Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Trước đó, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tôn vinh các nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Phan Châu Trinh (1872 – 1926), Phan Bội Châu (1867 – 1940), Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), Phan Khôi (1887 – 1959).
Các hạng mục Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018 bao gồm: Giải Dịch thuật: Dịch giả Nguyễn Tùng; Giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục: nhạc sĩ Dương Thụ và nhóm Nhất Nghệ Tinh; Giải Nghiên cứu: Lữ Phương và Phan Cẩm Thượng; Giải Việt Nam học: Pierre Brocheux và Daniel Hémery; Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại: Phạm Quỳnh.