Thầy Nguyễn Viết Thịnh |
Nhân dịp 20.11, PV Báo NTNN có cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về vấn đề đạo đức của người đứng trên bục giảng; đào tạo cũng như chăm lo cho cuộc sống của các thầy cô giáo... trong giai đoạn hiện nay.
Thầy Nguyễn Viết Thịnh chia sẻ:
Ngành sư phạm đang gặp rất nhiều thách thức. Đầu tiên là "thầy có giỏi thì trò mới hay", tuy nhiên nghề giáo lại đang dần không thu hút được thí sinh vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên là lương thấp, nhiều sinh viên khó kiếm việc làm ở địa phương vì có quá nhiều tiêu cực.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta có rất nhiều cách để đào tạo ra một giáo viên bộ môn, nhưng để đào tạo thành một nhà giáo dục thì không đơn giản. Nhà giáo dục không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn có thể xử lý các tình huống xung quanh học sinh, nhưng rất ít giáo viên đạt đến tầm đó. Bồi dưỡng năng lực giáo dục ấy là bài toán vô cùng khó.
Vậy ngành sư phạm cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa thầy?
- Trước hết để thu hút người tài vào sư phạm thì người thầy và nghề giáo phải được tôn vinh. Tôn vinh này không chỉ vào những dịp 20.11 mà ngay cả trong cuộc sống bình thường. Ví dụ như lo cho họ đồng lương đủ sống, bao dung họ khi "trồng người". Nhà giáo cũng là con người, có những lúc nóng nảy, phát ngôn thiếu suy nghĩ và họ thường bị phê phán kịch liệt mà không được bao dung.
Trong vấn đề đào tạo, cần phải nhấn mạnh vào tính sáng tạo và tự học của người thầy. Để làm được điều đó, các trường sư phạm phải tăng cường được đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất lượng, còn Nhà nước thì đầu tư thích đáng cho đào tạo sư phạm, có những quy định chặt chẽ hơn trong tuyển chọn, đào tạo nhân lực.
Xã hội cần có cái nhìn bao dung hơn với các nhà giáo. |
Thầy đánh giá thế nào về chế độ tiền lương cho giáo viên hiện nay?
- Cái đó tôi không bình luận, tôi chỉ biết rằng trên thế giới không ở đâu người ta giàu bởi nghề giáo cả và khi bước vào nghề giáo cũng không ai có tư tưởng để làm giàu. Nhưng giáo viên ở Việt Nam, mức lương chỉ đảm bảo cho họ mức đủ sống với cuộc sống bình thường có rau trong vườn, có lợn trong chuồng, có gạo trong hũ và không có biến cố gì về sức khoẻ gia đình. Nếu có biến cố, họ sẽ bị nghèo hóa.
Thầy Nguyễn Viết Thịnh
Nhiều giáo viên tâm sự rằng, vì lương như vậy nên họ buộc phải dạy thêm để không phải bỏ nghề. Thầy nghĩ gì về điều này?
- Bản thân tôi không phản đối việc giáo viên dạy thêm để giữ nghề, nhưng hiện có rất nhiều kiểu "biến tướng" như xã hội đang phản ánh gay gắt. Đó là việc, lẽ ra anh phải truyền đạt hết kiến thức của mình trên lớp thì anh lại không dạy hết mà đem "bán lẻ" cho học sinh học thêm.
Muốn chấn chỉnh việc này, Bộ GDĐT phải có một cơ chế tốt hơn về tiền lương, có chế tài rõ ràng để giáo viên có muốn làm sai cũng không làm được, nếu vi phạm họ sẽ phải ra khỏi ngành.
Xin cảm ơn thầy!
Tùng Anh (thực hiện)