Đó là một phần nhỏ trong tuyệt kỹ để dụ lươn “vào tròng” của những “thợ săn” lươn ở Hà Tĩnh.
Xế chiều, anh Trần Văn Quang với đồ nghề quen thuộc bắt đầu ra đồng săn lươn.
Cuối tháng Ba, về khắp miền quê Hà Tĩnh, chẳng khó để gặp hình ảnh những “thợ săn” mang ống nứa đi săn lươn đồng.
Lươn đồng chỉ đi ăn vào ban đêm bởi vậy thời gian “lý tưởng” để bẫy lươn chính là buổi chiều muộn. Đồ nghề săn lươn thực ra khá đơn giản, những ống tre được cắt dài khoảng 4 – 5 gang tay mà người ta vẫn hay gọi là trúm hoặc đụt. Một đầu bịt kín bằng mắt tre, đầu còn lại làm miệng. Ở phía miệng, có một chiếc nan nhỏ được đan bằng những thanh giang, với mục đích là dụ lươn “vào tròng”.
Những chú lươn vàng óng là thành quả của một ngày lao động.
Theo anh Trần Văn Quang (Quang Lộc, Can Lộc), muốn săn được nhiều lươn, quan trọng nhất vẫn là mồi nhử. Để dụ lươn đến, mồi nhử phải thật hấp dẫn. “Giun có mùi tanh được bằm thật nhuyễn trộn thêm chút bột thơm thơm chính là thức ăn béo bở nhất của những chú lươn đồng”, anh Quang không ngần ngại bật mí.
Đặc biệt, “thợ săn” con da trơn này nhấn mạnh, công đoạn cuối cùng là đặt trúm ra bờ ruộng, kênh, ao. Trúm phải đặt ở chỗ nước lợ, bùn sâu, phần đất mềm sát bờ cỏ ngập nước.
Quyệt nhẹ vệt bùn trên má, anh Quang hào hứng nói: “Trước khi đặt trúm, tôi phải thăm dò khu vực. Không phải cứ đặt trúm ở đâu cũng được. Tùy theo con nước, vị trí và lớp bùn nơi đặt sẽ quyết định đến sự thành công. Phần thân trúm phải được đặt theo góc nghiêng, miệng trúm được cố định ở dưới bùn để dụ lươn vào. Thậm chí, đối với thợ trong nghề lâu năm, họ còn nhận biết được hướng gió để mùi tanh của mồi bay xa, dụ lươn đến.”
Chiều đến, trên những cánh đồng thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lại xuất hiện hình ảnh quen thuộc của những người dân, tay xách đủ thứ đồ nghề ra đồng chuẩn bị cho buổi đánh bắt lươn – con da trơn.
Với những người dân quanh khu vực đồng ruộng nơi đây, săn lươn trở thành một nghề mưu sinh. Mỗi ngày thu về vài trăm ngàn từ việc bẫy lươn góp phần không nhỏ cải thiện cuộc sống.
Gương mặt rạng rỡ của anh Quang khi nâng trên tay thành quả của mình.
Anh Nguyễn Quang Hải ( Đồng Lộc – Can Lộc) cho biết: “Tôi theo nghề này cũng gần chục năm rồi. Ban đầu chỉ làm ít, khoảng chục cái trúm thả cho vui, cải thiện bữa ăn trong nhà. Có hôm, tôi thu hoạch được nhiều, ăn không hết, mang ra chợ bán thấy cũng được giá. Từ đó, tôi nảy ý định, làm thêm nhiều trúm để săn lươn về bán cho thương lái.”
Có những đêm, “thợ săn” Hải thu về đến 7-8kg lươn, với giá thị trường hiện nay từ 100.000-150.000 đồng/kg, anh Hải cũng có thêm một khoản thu nhập kha khá đủ chi tiêu trong gia đình.
Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê, ngoài những buổi chiều cắt cỏ, đá bóng, thả trúm lươn còn là thú vui quen thuộc lại có tiền mua sắm quần áo, sách vở.
Hiện nay, lươn đồng đang ngày càng khan hiếm bởi việc sử dụng thuốc trừ sâu hay dùng kích điện khiến môi trường sinh sống của lươn tự nhiên ngày càng bị giảm. Thế nhưng, vì gánh nặng mưu sinh, có không ít “thợ săn” lươn nơi đây vẫn quyết bám trụ với nghề.