Dân Việt

Hàng loạt câu hỏi về đường sắt cao tốc

23/11/2010 14:13 GMT+7
Dân Việt - Trả lời chất vấn về căn cứ tái khởi động đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Vì Quốc hội chưa thông qua nên Chính phủ không chỉ đạo và Bộ GTVT cũng không tiến hành tiếp dự án.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) chất vấn về vấn đề 42 hố tử thần vừa xuất hiện trong thời gian vừa qua làm nhân dân lo lắng.

img
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại phiên trả lời chất vấn chiều 23-11. Ảnh: Sỹ Lực

Có mấy nguyên nhân: Dự án đang thi công điện, thoát nước không thi công đúng quy định. Thứ hai, các công trình hạ tầng đã xuống cấp, ví dụ 60% ống nước cũ chưa được thay thế. Thứ ba, nền đất yếu, khai thác nước ngầm chưa được quản lý chặt, do quản lý chồng chéo.

Bộ có thấy đây là vấn đề khó khăn cần giải quyết không? Có mô hình quản lý thống nhất, một đầu mối, một nhạc trưởng về quản lý công trình ngầm không?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng vấn đề này là hoàn toàn chính xác. Bộ đã triển khai cán bộ vào xem xét cụ thể. Lý do thứ nhất là nhiều công trình tái lập mặt đường chưa đúng quy định. Thứ hai là sự xuống cấp, hư hỏng của các công trình ngầm, trong khi áp lực nước càng ngày càng tăng. Thứ ba do yếu tố địa chất, thủy văn, triều cường.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng trong nội đô, Bộ GTVT không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào, quản lý vấn đề này lại là trách nhiệm của ngành khác.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Bộ trưởng GTVT cũng nói thêm: Kết cấu hạ tầng đô thị thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng, đang mắc với Bộ GTVT ở việc quản lý kết cấu hạ tầng đường đô thị. Khi tách giao thông công chính và quản lý xây dựng đã xuất hiện sự chồng chéo. Bộ đang tập hợp, nghiên cứu để làm rõ vấn đề chồng chéo. Các Sở GTVT hiện đang phải báo cáo, đi xin Sở Xây dựng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nóng với đường sắt cao tốc

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phát biểu: Tôi đã chất vấn về căn cứ pháp lý để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Bộ trưởng nói trích từ nghị quyết của Quốc hội, tôi xin hỏi là trích từ nghị quyết nào? Phải chăng là từ lời phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội? Trong khi lời phát biểu bế mạc, căn cứ vào luật ban hành văn bản pháp quy không phải là một văn bản quy phạm pháp luật?

img
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn xung quanh dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: Sỹ Lực

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về việc Bộ GTVT đặt ra vấn đề đường sắt cao tốc trong khi nước ta còn nghèo thay vì ưu tiên cải tạo đường sắt Bắc-Nam. Chính phủ có coi đây là ưu tiên hàng đầu hay không?

Trả lời chất vấn của đại biểu về căn cứ tái khởi động đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: Vì Quốc hội chưa thông qua nên Chính phủ không chỉ đạo và Bộ GTVT cũng không tiến hành tiếp dự án đường sắt cao tốc. Chúng tôi chỉ tiếp tục nghiên cứu dự án, nghiên cứu dưới dạng đề xuất dự án, dưới dạng tiền khả thi để làm rõ thêm những vấn đề báo cáo tiền khả thi trước đây chưa đáp ứng được các yêu cầu mà các đại biểu nêu về sức chịu đựng của nền kinh tế đối với dự án. Thứ hai, dự án phục vụ công tác quy hoạch GTVT mà Chính phủ giao chúng tôi chịu trách nhiệm.

Nghiên cứu khả thi cũng không phải là toàn tuyến, mà chỉ một số dự án. Ví dụ: Dự án đường sắt trên cao Hà Nội-Nội Bài; Hà Nội-Nha Trang; Nha Trang-TP.HCM, TP.HCM-Cần Thơ... Nhưng chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, lập dự án. Nếu Chính phủ thấy khả thi, có thể thực hiện, Bộ sẽ báo cáo, trình Chính phủ quyết định đầu tư.

Lâu nay, trong các quy định về đầu tư xây dựng thì Chính phủ cũng như Bộ được phép làm. "Tại kỳ họp thứ 7, không có cái nào không cho nghiên cứu, dừng nghiên cứu", Bộ trưởng GTVT khẳng định.

Về vấn đề nợ nần của Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng điểm lại các con số: Tổng tài sản 104 ngàn tỷ đồng, tổng nợ 86 ngàn tỷ đồng, cộng thêm lãi vay... và khẳng định: "Lỗ bao nhiêu còn đang xác định. Nhưng tôi khẳng định không có câu chuyện lỗ 100 ngàn tỷ đồng".

Bộ trưởng phân tích, đã là doanh nghiệp, là đầu tư phát triển thì có vay có nợ. Cái bất thường là cái nợ đã vượt quá cao so với mức cho phép, vượt 11 lần vốn chủ sở hữu, gây ra mất an toàn, và khả năng bị phá sản. Nhưng không có nghĩa số nợ là số lỗ mà nó nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin, trong đó có 28 nhà máy đang hoạt động, có các hợp đồng đóng tàu đang dở dang...

Vinashin sẽ phải trả chứ Nhà nước không thể bỏ tiền ra bù lỗ cho Vinashin. Nhà nước chỉ tạo cơ chế, tạo điều kiện giúp Vinashin.

Về câu hỏi tại sao không nâng cấp đường sắt Bắc-Nam nhà nước đang quy hoạch định hướng, Bộ trưởng GTVT cho rằng, đường sắt có 130 năm nay, chỉ có thể duy tu bảo dưỡng chứ để nâng cấp lên là không thể. Do đó chỉ có thể thực hiện nâng cấp một phần để vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách ngắn. Hướng chính là phải quy hoạch tuyến mới. Vấn đề là ưu tiên như thế nào? Quan điểm của Bộ là cần phải đi ngay vào hiện đại. Thế giới đã phổ biến đường sắt 300 – 400 km/h rồi, ta không nên đắn đo mãi. Hệ thống đường sắt Bắc-Nam cũng phải nối vào đường sắt đô thị.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản hồi: Khi trình dự án, Chính phủ không trình văn bản. Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện Chính phủ trình ra dự án cực lớn không được thông qua nhưng vẫn chia nhỏ ra tiếp tục nghiên cứu. Nhưng tôi đề nghị không được lôi Quốc hội vào đây, vì đó không phải là nghị quyết của Quốc hội mà chỉ là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) xin góp ý: Về vấn đề hàng ngàn công nhân Vinashin không có việc làm thì cách giải quyết thế nào? Vì sao trong vụ Vinashin lại đi mua tàu cũ, tại sao Thủ tướng không cho mua lại cứ mua? 

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ sự lo ngại cho Tập đoàn Hàng hải Việt Nam: "Vinalines vừa qua khủng hoảng kinh tế lại phải tiếp nhận nợ hàng ngàn tỷ, chủ yếu ở đây là nợ từ Vinashin, nhưng như thế có an toàn không? Vinalines có đi vào con đường của Vinashin hay không?

Về dự án đường sắt cao tốc, đại biểu Tây Ninh cho rằng nếu tiếp nhận nguồn vay của Nhật, dù để nghiên cứu, sẽ đương nhiên chỉ nghiên cứu về Shinkansen.

Đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục chất vấn: "Tôi chưa thể thỏa mãn câu trả lời của Bộ trưởng".

Theo đại biểu Đồng Nai, chúng ta cần nhìn xuống mặt đất. Chúng ta nói nhiều về thiếu vốn, nói thiếu đường thì vì sao lại đặt ra vấn đề đường sắt cao tốc? Tôi cho rằng ở đây tư duy hơi bập bềnh, vì đường sắt cao tốc chỉ dành cho người có tiền. Đường sắt phổ thông kia mới dành cho nhân dân. Đáng lẽ đường sắt thuận tiện nhất cho người dân, cho nền kinh tế phải có trước. Đây là cách đi không phù hợp, chúng ta sẽ phải hứng chịu không ít khó khăn vì điều kiện đi lại của người dân chưa thể cải thiện được.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng khẳng định rằng không phản đối đường sắt cao tốc, mà chỉ muốn có một lộ trình thích hợp.

img
Đại biểu Dương Trung Quốc liên tục đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng GTVT. Ảnh: Sỹ Lực

Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích: Hạ tầng phải đi trước, đáng lẽ chúng ta phải có hạ tầng giao thông cho dự án bauxite chứ không thể dùng con đường cũ, đã quá nát. Bộ trưởng đã đi đường 20 chưa?

Ông Quốc cũng cho rằng: Chính phủ nên nhìn lại phương pháp tư duy nếu không sẽ luôn bị động. Đáng lẽ dự án khai thác này phải rất bình thường nhưng lại phức tạp vì chúng ta quá nôn nóng, chúng ta không biết chúng ta là ai, vì vậy, rất dễ đi lại vết xe Vinashin.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: Xung quanh vấn đề giải quyết việc làm cho đội ngũ công nhân Vinashin, sắp tới các dự án đang được phục hồi trở lại. Năm nay cố gắng hoàn thành 30 con tàu. Năm 2011 chuẩn bị hoàn thành 60-70 con tàu nữa. Tín hiệu về thị trường vận tải biển thế giới đang phục hồi. Đây là cơ sở để tái cơ cấu và giải quyết việc làm.

Do Vinalines đang có nhu cầu phát triển đội tàu nên việc đưa một số con tàu của Vinashin sang cho Vinalines là do nhu cầu. Về vấn đề đưa tàu sang Vinalines, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết thêm, Vinalines hoan nghênh vì tăng cường được cơ sở vật chất và bước đầu tạo hiệu quả. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi. Tại sao Vinashin nhập tàu cũ? Việc này là quyền của doanh nghiệp. Có điều nếu tàu cũ quá 15 tuổi thì không được đăng kiểm ở Việt Nam, nhưng có thể đăng kiểm ở nước khác, treo cờ nước khác nếu họ chấp nhận.

Trả lời riêng đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ nghiên cứu tuyến mới 1,435m. Bộ trưởng thừa nhận, đường 20 có cái khó, nhưng còn nhiều dự án khác đang được triển khai. "Chúng tôi đang tính tới hạ tầng cho các dự án bauxite, tương lai có đường sắt, ống vận chuyển".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết về phương án vận chuyển tại hai dự án bô xít: Trước mắt khi chưa triển khai được phương án đường ống thì vận chuyển đường bộ từ đèo Bảo Lộc qua Dầu Giây đến Long Thành xuống cảng Cái Mép. Mỗi ngày vận chuyển 2.000 tấn, thì cần 200 chuyến xe, hạ tầng đường 20 vẫn đảm bảo được. Chính phủ đã có quy hoạch trước mắt và lâu dài.

Xung quanh vấn đề đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải thích: Việc nâng cấp đường sắt hiện tại là không được, nhưng Chính phủ không bỏ con đường này mà sẽ nâng cấp để đáp ứng trước mắt. Nhưng trong lâu dài phải có đường sắt mới.

Về vấn đề Vinashin và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng cho biết: Chức năng của Bộ là tham mưu Chính phủ về quy hoạch phát triển và thứ hai là giám sát mục tiêu kế hoạch. Nhưng đến năm 2006 chỉ còn một mục tiêu là tham mưu Chính phủ về quy hoạch phát triển. Và tôi nhận thấy chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin.Vấn đề Vinashin cũng là trách nhiệm của chung, của cả Quốc hội, Chính phủ chứ không phải của riêng ai cả.

Đối với vấn đề trả nợ lãi suất, Vinashin đã trả 9 kỳ đầy đủ, riêng việc trả nợ gốc đang tiến hành và sẽ đựơc giám sát. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết nếu đến giai đoạn này dừng Vinashin lại, bán tài sản, có thể thu hồi được một phần gốc và nhà nước trả nợ thay. Tuy nhiên để phát triển chiến lược biển thì cần tiếp tục phát triển Tập đoàn này. Khách quan mà nói,  Vinashin cũng có triển vọng trên cơ sở tái cơ cấu để tạo ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tạo ra thu nhập để trả nợ. Chính phủ không cấp cho Vinashin tiền để trả nợ và không trả nợ cho Vinashin.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách trả lời của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trong việc xác định trách nhiệm của Bộ trong vấn đề quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin. "Tôi không tán thành việc Bộ trưởng cho rằng Bộ Kế hoạch Đầu tư vô can", đại biểu Quảng Nam nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng báo cáo thêm về vấn đề tái cơ cấu Vinashin. Phó Thủ tướng cho biết: Tôi phải nêu lại rằng thời kỳ 2005 – 2006 là thời kỳ hoàng kim của vận tải biển. Lúc đó chúng ta có năng lực đóng tàu lớn 100 -200.000 tấn với đội ngũ 55.000 công nhân. Không ngờ rằng năm 2008, không chỉ với ngành đóng tàu Việt Nam mà nhiều nước khác như Hàn Quốc, Đức,… cũng lâm vào tình trạng phá sản. Hàn Quốc cứu công nghiệp đóng tàu của họ bằng 25 tỷ USD. Trung Quốc bỏ ra 60 tỷ USD và bây giờ họ đã đứng đầu. Và chúng ta thì lâm nguy, phá sản vì thiếu tiền. Nhưng quan điểm của chúng ta là cần phát triển kinh tế biển nên cần phải tái cơ cấu Vinashin để có tiền trả nợ.

Việc tái cơ cấu Vinashin bắt đầu thực hiện từ năm 2008 bằng cách cắt giảm vốn đầu tư, thu hồi nhiều dự án để tập trung vào những dự án lớn (13 dự án). Đầu năm 2010, tiếp tục bước hai của quá trình tái cơ cấu, cắt giảm bớt những lĩnh vực của Vinashin. Và bây giờ là tái cơ cấu bước ba. Nay qua gần 6 tháng, đặc biệt từ tháng 8 đến nay, tư tưởng của toàn bộ công nhân hệ thống Vinashin (hơn 50.000 người) hoàn toàn ổn định, tạo ra quyết tâm mới để cùng làm ăn, khôi phục Tập đoàn. “Tôi đã phải xuống trực tiếp từng đơn vị như Công ty Ba Son”, Phó Thủ tướng nói.

Kết quả, chúng ta vẫn giữ được 130 con tàu, 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, 27 con tàu dở dang đang đóng vẫn tiếp tục được hoàn thành. Doanh thu năm nay của Vinashin khoảng 14.000 tỷ đồng. Lương công nhân ở mức 2,8 triệu đồng /tháng. Chỉ còn nợ 100 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Hoạt động sản xuất phụ trợ cũng bắt đầu tiến hành trở lại mang đến doanh thu khoảng 2000 tỷ đồng. 23/26 con tàu chuyển cho Vinalines đã hoạt động trên biển, khả năng thu được 1.400 tỷ đồng trong năm nay. Như vậy kinh doanh vận tải biển tiếp tục phát triển được. Riêng tàu Hoa Sen hiện đã đưa vào sử dụng mỗi ngày thu được 8000 USD.

Về khả năng trả nợ của Vinashin, Phó Thủ tướng cho rằng: Kinh doanh được, bán được tàu thì chắc chắn sẽ trả nợ được.

Còn khoảng 20% tổng tài sản của Vinashin không thể duy trì được thì cần phải tái cơ cấu 216 doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu bằng cổ phần hóa, bán, tái cơ cấu nợ để thu hồi vốn. Trong đó sẽ có khoản mất nhưng cũng sẽ có khoản có lời. Riêng khoản nợ 86.000 tỷ đồng  với những cơ sở đã phân tích thì thông qua trả nợ ngắn hạn và dài hạn thì khả năng đến năm 2013 – 2014 sẽ trả nợ xong.

Tóm lại, Bộ Chính trị đang chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin một cách toàn diện cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. "Chúng tôi không chủ quan, nếu thiên thời - địa lợi - nhân hòa thì chúng ta sẽ phục hồi thành công", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.