Dân Việt

Phát hiện con gái học lớp 5 đã yêu đương, bà mẹ đã xử lý bất ngờ

Thuỳ Anh 29/03/2018 14:44 GMT+7
Thay vì đe nẹt, cấm đoán, kiểm soát nghiêm ngặt tình yêu của con, người mẹ này đã chia sẻ và định hướng cho con có một tình yêu đẹp tuổi học trò. Dưới đây là tâm sự của một người mẹ có con đang yêu... dù cô nàng mới chỉ bước lên lớp 5.

Luôn là người bạn của con

Chị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) biết con gái mình có tình cảm sâu đậm với một bạn trai cùng lớp từ năm lớp 4. Lên lớp 5, qua một kỳ nghỉ hè dài, cảm xúc ấy dường như không nhạt đi. Thu (con gái chị) giấu tình cảm của mình lúc mới chớm trong những trang nhật ký.

Khi dọn phòng cho con gái, chị vô tình phát hiện ra cuốn nhật ký mở bỏ ngỏ trên bàn khi cô bé vội vàng đến trường chưa kịp cất vào ngăn kéo. Hóa ra vậy, bởi gần đây, chị Thảo thấy Thu điệu đà hơn, quan tâm đến ăn mặc, xu hướng thời trang, cách đi đứng nói năng cũng khuôn phép, nhẹ nhàng.

Chị Thảo mỉm cười, chắc đó chỉ là tình cảm thoáng qua của tuổi mới lớn. Nhưng dần dần, chị nhận thấy, hình ảnh cậu bạn trai trong lớp ấy khiến con gái chị phân tâm và có thể ảnh hưởng đến việc học tập, chị tìm cách “gỡ rối” cho con.

img

Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên là người bạn của con để tâm sự, chia sẻ cùng con. Ảnh: I.T

Thay vì đe nẹt, cấm đoán hay ngăn cản con gái đầu tư tâm trí vào chuyện tình cảm, chị lại… “ủng hộ” và định hướng để con có những rung cảm đầu đời đẹp nhất, giúp con không sa đà hay bị động trước con sóng cảm xúc lên xuống trong lòng. Chị tỉ tê, hỏi han và chia sẻ nghiêm túc về tình yêu với con gái. Lúc đầu, Thu ngượng ngùng, né tránh và thoái thác các câu hỏi gợi mở của mẹ.

Nhưng sau khi nhận ra mẹ không kỳ thị hay áp đặt, Thu bắt đầu tâm sự về mối quan hệ này, từ việc cô bé thường lén nhìn bạn trai ấy trong mỗi giờ học, làm những món quà nhỏ giấu trong ngăn kéo không dám tặng, đến việc bạn thân của Thu cũng biết và tạo cơ hội cho Thu được gần bạn trai… Cô bé buồn ra sao khi bạn trai kia tỏ ra quan tâm tới bạn khác, hay khi cô bé vui thế nào khi hôm ấy “được” nói chuyện lâu với người trong mộng…

Thu đều kể cho mẹ nghe. Hôm Valentine, chị Thảo vui vẻ “rủ” con gái đi mùa quà cho bạn trai kia – điều mà tất cả các bà mẹ sẽ cảm thấy ngược đời và phản đối. Khỏi cần nói, con gái chị sung sướng vô cùng. Cô bé chọn một thỏi chocolate của Pháp, gói ghém đẹp đẽ để tặng bạn trai kia. Sau hôm đó, Thu vui vẻ kể cho chị nghe về việc bạn trai ấy đã nhận quà và cảm thấy thích thú.

Ngày 8.3, chị hỏi con: “Hôm nay có vui không?”. Thu tỏ ra thất vọng, bảo rằng: "Bạn ấy không chúc mừng gì con cả”. Nghe thế, chị tranh thủ nói nhẹ nhàng: “Con đã yêu quý và dành nhiều tâm sức cho bạn ấy, nhưng bạn ấy vô tâm nhỉ. Hôm Valentine, mẹ con mình đi cả tối để chọn quà thật đẹp tặng bạn ấy, thế mà ngày đặc biệt như ngày hôm nay, bạn ấy lại không đáp lại tấm lòng của con bằng bất kỳ hình thức gì".

Nhờ cách làm đó, Thu không còn nhắc về chàng trai này nữa mà tập trung vào học tập hơn. Có chuyện gì trong lớp, Thu cũng không ngần ngại chia sẻ hay kiếm tìm lời khuyên từ mẹ.

Ứng xử thế nào là phù hợp?

Các con đến tuổi dậy thì, những rung động cảm xúc đầu đời là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận và có những xử trí thích hợp khi phát hiện con yêu sớm. Nhiều bi kịch đau lòng, có thể nói nguyên nhân gián tiếp là do sự thờ ơ, thiếu quan tâm định hướng hoặc khởi nguồn từ cấm cản của gia đình.

Như số liệu thống kê của một cuộc điều tra về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam do Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục thống kê tổ chức năm 2010, 10% học sinh ở nhóm tuổi 14 – 17 đã từng có người yêu, hơn 36% số học sinh đã từng ôm hôn. Đáng lo ngại là cứ 5 cô gái trẻ thì có một người mang thai từ khi học cấp 3.

img

Thay vì ngăn cấm, bố mẹ nên nói cho con hiểu về tình yêu trong sáng để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc sau này. Ảnh: I.T

Việc cha mẹ sử dụng lệnh trừng phạt như phong tỏa các mối quan hệ của con; ngăn cấm, chửi bới, xúc phạm; can thiệp, lùng sục thô bạo vào Facebook, điện thoại… của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là cách mà nhiều cha mẹ đã và đang làm. Tuy nhiên, càng cấm cản, các con sẽ càng ức chế, bị cuốn sâu vào sự đau khổ, tuyệt vọng, dẫn đến tìm cách “vùng vẫy” đáp trả trong sự ngang bướng: yêu mãnh liệt hơn, cô lập với gia đình; tự hành hạ bản thân hoặc xa hơn là nghĩ đến điều dại dột”.

TS Vũ Phạm Nguyên Thanh (Viện Xã hội học) cho rằng, cha mẹ thay vì cấm đoán cần giúp con hiểu và định hướng để con có những cảm xúc tích cực. Nhưng không phải dễ dàng để con chia sẻ chuyện tình yêu của mình, cha mẹ cần cởi mở, coi đó là rung cảm tự nhiên mà sớm muộn gì con cũng trải qua để đón nhận nó. Cảm xúc của các em thất thường và trôi qua nhanh, do đó, cha mẹ hãy cung cấp thông tin về sức khỏe giới tính, sự phát triển tâm sinh lý cho con từ khi con chưa biết yêu, giúp con có niềm tin để chia sẻ với mình.

Còn TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh chỉ ra, hầu hết, các cha mẹ đều hết sức lo lắng nên đã thể hiện cảm xúc tiêu cực đối với con. Nhiều người còn ngăn cấm, chửi bới, thậm chí là chì chiết người bạn của con, gây ra những tổn thương vô cùng lớn đối với các con.

“Nhiều khi chúng ta phải biết chấp nhận một chút bồng bột của tuổi trẻ, có thể góp ý chứ đừng nên phê phán, dè bỉu, chê bai. Cao hơn hết là cần phải biết thỏa thuận với con, khéo léo đưa thông điệp về tình yêu kể cả vấn đề hết sức nhạy cảm và pháp luật” – TS Thụy Anh tư vấn.