Dân Việt

Đơn giản mà khó

18/11/2011 15:54 GMT+7
(Dân Việt) - Những kết quả khảo sát cho thấy tình trạng thiếu và kém kỹ năng lao động trong nhiều nhóm ngành nghề ở Việt Nam là thể hiện cụ thể những cảnh báo từ rất nhiều năm nay về chất lượng kém của lao động Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là trong số nhóm nhân lực có chất lượng kém lại rơi vào hai nhóm mà chúng ta luôn tự hào là có số lượng đông đảo: Lao động giản đơn và lao động có kỹ năng đơn giản. Đó cũng là hai nhóm nhân lực mà tất cả các trường ở VN, từ trường ĐH, CĐ tới các trường dạy nghề đã đào tạo ra nhiều nhất, chiếm số lượng áp đảo trong lực lượng lao động VN.

Với hai nhóm ngỡ như quá đơn giản ấy mà tình trạng “thiếu hụt lao động đáp ứng đúng chuẩn” lại xảy ra, thì với những nhóm nhân lực có đòi hỏi cao hơn về chuyên môn như quản lý và kỹ sư... thì sự thiếu hụt là điều dễ hiểu. Vậy thì trong bao năm qua, các trường học chuyên đào tạo nguồn nhân lực ở VN đã hoạt động như thế nào?

Rất dễ thấy, sự thiếu hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực đến từ lối dạy và học vừa xa rời thực tế, lý thuyết suông, vừa thiếu những giáo trình và giáo viên có thể đào tạo kỹ năng cho sinh viên, học sinh. Nếu nói lối dạy ở các nhà trường VN hiện nay là “thiên về lý thuyết” là không chính xác, vì dạy lý thuyết bao giờ cũng khó hơn dạy thực hành, và cái gọi là “lý thuyết” ở các trường ĐH hay CĐ hiện nay không phải là lý thuyết mang tính sáng tạo, mà chỉ là lối dạy và học từ chương cũ kỹ, “cắt dán”, cóp nhặt kiến thức, thiếu hệ thống và không tạo được hiệu quả sau khi truyền dạy. Cả thầy và trò đều dạy và học rất “khơi khơi” những điều không biết sẽ ứng dụng vào đâu và như thế nào.

Không phải cứ mở nhiều trường ĐH, nhiều trường dạy nghề là đã có thể đào tạo được lực lượng lao động có chất lượng. Một khi những kỹ năng lao động đơn giản, những nhân lực lao động giản đơn cũng thiếu trước hụt sau khi đã tốt nghiệp, thì chất lượng đào tạo nghề ở VN là đáng báo động. Dù là học ĐH, hay chỉ học nghề, thì khi ra trường, học viên phải làm được những việc thuộc chuyên môn mình đã học, nếu không làm xuất sắc thì chí ít cũng là làm “tròn vai”, làm việc như một người có kỹ năng ở mức trung bình.

Ngay yêu cầu đơn giản ấy cũng không thực hiện được, thì bằng cấp sẽ lại là rào cản cho công việc. Vì người có bằng cấp không đáp ứng được công việc mà bằng cấp ấy chỉ sẽ là một chiếc “đinh ốc hỏng” trong cả bộ máy, đó là điều rất nguy hiểm.

Trong khi sự phát triển của đất nước, nhất là sự nghiệp công nghiệp hóa đang rất cần những lực lượng lao động có tay nghề, có chất lượng, và tiến tới là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thì ngay ở nguồn nhân lực chất lượng trung bình chúng ta cũng chưa có được, thì làm sao công nghiệp hóa? “Chúng tôi muốn đưa máy móc hiện đại vào VN, nhưng không tuyển được đủ số kỹ thuật viên để vận hành” - lời vị chủ tịch của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM thật đáng để suy nghĩ.