Đã có giải pháp nhưng còn vướng chính sách
Ông Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết: “Chất thải chăn nuôi thải ra môi trường sẽ gây ra một số hệ lụy như lôi kéo ruồi muỗi, gây mùi, phát sinh dịch bệnh. Nếu phân tươi dính lên cây trồng ăn lá thì sẽ có nguy cơ gây dịch tả cho người. Nếu bây giờ đến các làng chăn nuôi nhiều thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng, các kênh, rạch, mương, nước ở những khu bán đô thị đều đầy chất thải chăn nuôi gây mùi khó chịu, phát tán dịch bệnh”.
Sử dụng quá nhiều nước trong chăn nuôi là nguyên nhân gây khó khăn trong thu gom chất thải và ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.N
Cũng theo ông Trịnh, Việt Nam là nước nông nghiệp và có nhu cầu phân hữu cơ rất lớn, nếu các chất thải chăn nuôi rắn được thu gom và ủ làm phân bón hữu cơ thì sẽ đem lại lợi nhuận cao. Chính vì vậy Dự án Lcasp đang nghiên cứu xây dựng một mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng sử dụng chất thải chăn nuôi rắn và lỏng để làm phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Ban quản lý dự án Lcasp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Nước thải chăn nuôi nếu tìm cách xử lý để đạt QCVN 62 để xả xuống nguồn nước mặt thì sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nếu áp dụng các công nghệ để xử lý nước thải chăn nuôi thành nguồn nước tưới cho cây trồng như các nước phát triển đang làm thì sẽ giảm rất nhiều chi phí và góp phần giảm sử dụng phân bón hóa học trong trồng trọt. Để làm được việc này, các đơn vị nghiên cứu cần vào cuộc để chuyển giao công nghệ các quy trình xử lý nước thải chăn nuôi thành nguồn nước tưới cho các loại cây trồng khác nhau…”.
Ông Nguyễn Văn Bé Chính ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đã gắn bó với nghề nuôi lợn gần 20 năm, cho biết do chăn nuôi ngày càng mở rộng, tổng đàn lợn của gia đình luôn duy trì từ 600 - 1.000 con. Với số lợn như vậy thì lượng nước sử dụng cho hoạt động tắm và rửa chuồng lợn là rất nhiều, gây ô nhiễm mỗi trường. Khi Dự án Lcasp Bến Tre triển khai, ông lập tức đăng ký tham gia. Ngoài được hỗ trợ 3 triệu đồng, ông còn được tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng hầm khí sinh học (KSH) rất bài bản, khoa học.
Các chất thải từ nuôi lợn đều được đưa xuống hầm KSH nên khắc phục cơ bản mùi hôi thối. Khí gas dư thừa cung cấp cho bà con xung quanh có nhu cầu. Với nước thải đã qua xử lý hầm biogas, ông Chính bơm tưới cho vườn dừa. 5 công đất trồng dừa của ông luôn xanh tươi, sai trái. Số nước thải còn lại, nếu ai có nhu cầu đều được ông cho dẫn về tưới cây trồng. Từ ngày có nguồn chất thải hữu cơ “độc đáo” này, các vườn dừa nhà ông Chính và hộ dân lân cận sử dụng để tưới, không cần sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhưng vẫn cho trái sai trĩu buồng.
Cần có quy chuẩn thống nhất về nước thải
Ông Ngô Tiến Dũng – đại diện Tập đoàn TH cho biết: “Hiện nay, Việt Nam đưa ra các quy chuẩn về nước thải nhưng lại bị trùng lặp hoặc bị vênh nhau. Ví dụ năm 2011 có quy chuẩn Việt Nam 39 cho các loại nước thải trong chăn nuôi đã qua xử lý, có thể sử dụng tưới cho cây trồng được. Nhưng đến năm 2015, Bộ TNMT lại ban hành quy chuẩn 08 sử dụng nước mặt để tưới tiêu cho cây trồng”.
Theo ông Dũng, nếu như áp dụng theo quy chuẩn này thì tất cả các nước thải trong chăn nuôi đã qua xử lý bằng hệ thống KSH sẽ không sử dụng được bởi vì quy chuẩn này định ra yêu cầu rất cao về BOD (nhu cầu oxy sinh hóa) hay COD (nhu cầu oxy hóa học). Đến năm 2016 Bộ TNMT ban hành quy chuẩn 62 đối với chất lượng nước thải ra môi trường sau khi qua xử lý, chỉ tiêu của nó còn thấp hơn quy chuẩn 08 mà Bộ TNMT ban hành đối với sử dụng nước mặt, khiến cho trang trại của TH sản xuất ra chất thải đủ theo quy chuẩn 62 lại không thể sử dụng để tưới cho cây trồng vì không đủ theo quy chuẩn 08, đó là một điều rất bất hợp lý.
“Nếu áp dụng cả 2 quy chuẩn này, thì chúng tôi không thể sử dụng được nước thải sau KSH để tưới cho cây thức ăn chăn nuôi, trong khi hiện nay chúng tôi đang quản lý 8.000ha đất để trồng các cây thức ăn cho bò sữa. Nếu TH có thể sử dụng nước sau biogas tưới cho cây thức ăn chăn nuôi thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được lượng phân bón và chi phí rất lớn. Do vậy, TH đề xuất Bộ NNPTNT hoặc Bộ TNMT nghiên cứu, ban hành được một quy chuẩn thay thế các quy chuẩn đang rất bất cập hiện nay về sử dụng nước cho tưới tiêu cho doanh nghiệp” - ông Ngô Tiến Dũng nói.