Dân Việt

ĐBSCL sẽ sánh ngang với điểm du lịch đường sông nổi tiếng thế giới?

Huỳnh Xây 27/03/2018 17:39 GMT+7
Dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” có thể giúp nơi đây trở thành một viên đá quý của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới như đồng bằng sông Nile ở Ai Cập.

Chiều nay (27.3), tại TP.Cần Thơ, UBND TP.Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Novaland, The Boston Consulting Group (Tập đoàn tư vấn BCG) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) tổ chức ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu”. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương ĐBSCL.

img

Ký kết triển khai dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu".

Theo đó, dự án trên có mục tiêu hoạch định và triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó TP.Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.

Theo Tập đoàn tư vấn BCG, nơi đây sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp để khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại ĐBSCL theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và dịch vụ chuyên nghiệp.

img

Chợ nổi Cái Răng - một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở ĐBSCL.

Theo ước tính của Tập đoàn tư vấn BCG, dự án có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025, đem lại sự đa dạng hóa quan trọng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL. Ngoài ra, dự án sẽ kết nối và quy tụ thêm các tổ chức quốc tế tài trợ cho việc thích ứng BĐKH như World Bank, IFC, ADB, DEG và kỳ vọng mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào khu vực ĐBSCL.

Ông Christopher Lewis Malone - Giám đốc điều hành của Tập đoàn BCG tại Việt Nam nhận định: “Khi phát huy tốt nhất, ĐBSCL có thể là một viên đá quý của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới như Đồng bằng sông Nile ở Ai Cập - nơi tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế và đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho nơi đây. Chúng tôi hy vọng khi dự án hoàn thành, ĐBSCL sẽ là điểm đến cho cả nước, khu vực và quốc tế”.

“Trong quá trình hiện đại hóa đô thị, chúng tôi kiên định với tầm nhìn phát triển Cần Thơ là đô thị sông nước có chất lượng sống tốt, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, vừa giữ bản sắc đồng bằng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc tham gia dự án phát triển ngành du lịch địa phương thích ứng biến đổi khí hậu lần này cũng nằm chung trong định hướng trên”, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định.

Ông Thống cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn phát triển du lịch Cần Thơ theo hướng bền vững kết hợp được lợi thế của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tận dụng hiệu quả đặc trưng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái với vô số kênh rạch thủy lợi và các cù lao trên sông Hậu”.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL là khu vực đang chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Thực tế này, đòi hỏi phải huy động tối ta các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để vùng phát triển bền vững hơn. “Hy vọng, dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” sẽ có nhiều điểm đột phá, có nhiều sáng kiến mới được áp dụng trong phát triển du lịch sinh thái, đem lại sinh kế bền vững cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.