Những ước mơ có đơn giản, có lớn lao… nhưng vì là trẻ mồ côi nên cơ hội được hiện thực hóa mỏng manh hơn, khó khăn hơn. Chương trình “Cho con tình yêu thương” do báo Phụ nữ Tp HCM và một số đơn vị khác tổ chức là sân chơi, tạo cơ hội giúp các bé mồ côi, sống trong các trung tâm bảo trợ trẻ em… thể hiện ước mơ và được thực hiện.
Theo đó, “Cho con tình yêu thương” sẽ đến 10 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà mở, mái ấm tại TP.HCM để chia sẻ những câu chuyện hay, những mảnh đời đặc biệt của các em. Những câu chuyện sẽ đăng tải trên báo Phụ nữ TP.HCM, dưới hình thức video clip, hình vẽ, mẩu chuyện ngắn hoặc các hình thức khác… Ngoài ra, báo Phụ nữ TP.HCM cũng sẽ tiếp nhận bài viết của trẻ em mồ côi trên cả nước qua hộp thư điện tử chocontinhyeuthuong2018@gmail.com. Chương trình sẽ kéo dài từ nay cho đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 sắp tới.
Bức vẽ thể hiện ước mơ thành Giám đốc của một bé gái đang sống tại mái ấm Bà Chiểu. Em muốn làm ra nhiều tiền để giúp mẹ và gia đình đỡ khổ.
Khởi đầu chương trình, ban tổ chức đã đến thăm mái ấm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Khi được hỏi về giấc mơ của mình, bé A.Thư cho biết: "Con từng bị mẹ bạo hành và được một chú công an giải cứu, đưa vào mái ấm Bà Chiểu. Do đó, con ước mơ lớn lên sẽ trở thành công an, giúp đỡ trẻ em gặp hoạn nạn". Hay như cô bé Nguyễn Thị Oanh chỉ mơ ước sẽ có được một chú gấu bông, tối ôm ngủ đỡ nhớ mẹ…
"Con muốn thành chú công an, bảo vệ các bạn trẻ gặp nạn".
Trong bài dự thi của mình, bé Nguyễn Hoàng Phúc (Mái ấm Ánh Sáng, quận 3, TP.HCM) cho biết, năm nay em 12 tuổi, là một đứa trẻ không có cha, mẹ thì bệnh tâm thần. Vì cuộc sống khó khăn, lo cho gia đình mình chưa xuể mà còn phải cưu mang thêm hai mẹ con em nên dì của em đã gửi em cho mái ấm.
Em có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá và mong ước được trở thành cầu thủ xuất sắc, thi đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Thế nhưng chính em cũng nghĩ rằng, không biết đến bao giờ em mới có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.
“Bởi một sân chơi bóng đàng hoàng, mái ấm của em cũng chưa từng có. Mái ấm của em nhỏ bé, nằm ở một con hẻm nhỏ giữa trung tâm thành phố. Nơi đây có 25 anh em chúng em, những đứa trẻ mồ côi, con nhà có hoàn cảnh éo le cùng chung sống”, Phúc viết trong bài dự thi gởi về “Cho con tình yêu thương”.
Em Phúc (giữa) mơ ước thành cầu thủ bóng đá, nhưng nhà mở nhỏ quá, không có sân bóng để tập, em đành chơi cờ với các bạn.
Hay như bé Trần Hữu Trí, học sinh lớp 2 trường Lương Định Của lại ước mơ chữa lành đôi mắt của những cô chú trong nhóm người mù, vì đây là những người đã cưu mang em, rồi gởi em đến mái ấm để có thể được đi học.
“Con đã theo chân các cô chú nhóm người mù để đi lang bạt đó đây bán tăm nhang, tăm bông… Chú Trần Hữu Quang đã nhận con làm con và khai sinh con theo họ chú. Nhưng chú cũng là người mù, nên nói “khai sinh” vậy chứ con cũng không có được giấy tờ gì”, Trí chia sẻ.
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết, các bé tại các mái ấm, nhà mở sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, giấc mơ của các em cũng rất đặc biệt. Nhiều em còn không có cả ước mơ bởi quanh năm chỉ biết những người bạn đồng cảnh ngộ.
Được các cô chú người mù giúp đỡ, bé Trí (giữa) có cơ hội đến trường. Em mơ giúp chữa bệnh mù cho các cô chú đã cưu mang mình.
Sự cô đơn của các em là có thật và vẫn thường trực hàng ngày. Tuổi thơ của các em, ngoài những khó khăn vật chất, còn những thiếu thốn tinh thần, rất cần được sẻ chia. Do đó, cần có sự chung tay của cộng đồng, xã hội để giúp đỡ các em thành những công dân tốt sau này.
Ở giai đoạn cuối của chương trình, báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ chọn ra 3 bài viết của 3 em có hoàn cảnh đặc biệt và cùng các mạnh thường quân giúp các em biến ước mơ thành hiện thực nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Theo số liệu của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện có 29 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi). Trong số đó, có đến 156.000 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi do nhiều nguyên nhân khác nhau như: trẻ khuyết tật, kinh tế khó khăn, có thai ngoài ý muốn… |