Công văn do bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk ký, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Công văn 804 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Theo công văn này, các cơ quan báo chí, đặc biệt là một số báo Trung ương và báo ngành đóng ở địa phương liên tục khai thác, đưa tin phản ánh sự việc. Trong 36 tin bài mà Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk thống kê được thì đa phần có nội dung đề cập đến tiêu cực; "một số báo "giật tít" có nội dung, bản chất không đúng sự việc, không mang tính xây dựng, suy diễn, làm ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng" (trích Công văn 804).
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, đây là vụ việc phức tạp liên quan đến việc làm, đời sống, tâm tư của nhiều người trên địa bàn huyện Krông Pắk và đang được các ngành chức năng tại địa phương quyết liệt giải quyết.
Trong khi đang chờ cơ quan chức năng giải quyết, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan (nếu có), không để đối tượng xấu lợi dụng vấn đề làm phức tạp tình hình, gây mất an ninh trật tự.
Vì thế, Công văn 804 đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin, phản ánh sự việc, tránh làm nóng vấn đề.
Cũng theo Công văn này, hiện tỉnh vẫn chưa có phương án giải quyết tình trạng dôi dư hàng trăm giáo viên ở Krông Pắk, "khi có phương án và kết quả giải quyết vụ việc, tỉnh sẽ sớm thông tin đến các cơ quan báo chí"- Công văn 804 cho biết.
Ông Nguyễn Cảnh - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đề nghị trên nhằm làm “nguội” vấn đề. Còn người ký Công văn trên thì nói: “Ở đây Ban chỉ đề nghị tạm ngưng chứ không yêu cầu báo chí không được viết. Địa phương đang tích cực giải quyết vụ việc nên không muốn báo chí làm nóng dư luận".
Để vụ 500 giáo viên sắp mất việc bớt "nóng", Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị báo chí tạm dừng thông tin.
Như Dân Việt đưa tin, từ năm 2011-2016, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế. Việc này khiến toàn huyện Krông Pắk thừa hơn 600 giáo viên.
Theo UBND huyện Krông Pắk, trong số giáo viên hợp đồng dôi dư này có 208 trường hợp không có vị trí xét tuyển, buộc phải chấm dứt hợp đồng. Số còn lại sẽ tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của huyện để chọn ra 83 người. Như vậy, sắp tới, toàn huyện này sẽ có gần 500 giáo viên mất việc (chưa kể hàng chục trường hợp xin nghỉ việc trước đó).