Năm học 2011 - 2012, Trung tâm Sao Mai, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam đón nhận hơn 250 trẻ tự kỷ và thiểu năng do bại não. Các cháu được chia thành 17 lớp, theo tuổi. Trong đó có 2 lớp (từ 10-15 tuổi) dạy cách tự phục vụ bản thân, dạy tiền văn hoá và tiền học nghề; 3 lớp tự kỷ nặng, còn lại là các lớp can thiệp sớm, tự kỷ nhẹ và chậm phát triển trí tuệ từ 2 - 5 tuổi.
Đối với các cháu can thiệp sớm từ 2-3 tuổi, các cô dạy kỹ năng sống như tự phục vụ, tự lập, tự đi vệ sinh, tự ăn uống; đối với trẻ tự kỷ từ 6 - 7 tuổi, các cô giáo dạy tự mặc quần áo, tự đi giày, đội mũ, giao tiếp.
Đối với những cháu gặp khó khăn trong giao tiếp thì được dạy các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như: Điệu bộ, hệ thống tranh biểu tượng về các hoạt động trong ngày của trẻ. Công việc nhọc nhằn, nhưng các giáo viên, bác sĩ giảng dạy tại trung tâm đã thực sự đến với các cháu bằng sự tận tụy, lòng thương yêu với trái tim người mẹ.
Thầy giáo Tống Văn Thanh, giáo viên nam duy nhất của trung tâm đang bón cho một bé bị bại não. |
Bác sĩ Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Sao Mai khám cho một bé tự kỷ nhập học. |
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Huế luôn có những phương pháp vận động theo nhiều kỹ năng để các em có thể tập trung hơn. |
Chơi - học, học- chơi giúp các em quen với khả năng giao tiếp. |
Lớp Họa Mi đang giờ tập vận động theo phương pháp yoga. |
Vỗ về đưa các em vào giấc ngủ trưa. |
Cô giáo người Đức - Simone Ramrath tình nguyện công tác ở Trung tâm Sao Mai. |
Phóng sự ảnh của Lê Hữu Thọ