Dân Việt

Quảng Ninh: Loay hoay với "tour 0 đồng"

Nguyễn Quý 29/03/2018 19:33 GMT+7
Trưa 29.3, nhiều ngả đường khu du lịch Bãi Cháy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) đông nghẹt những đoàn xe trên 45 chỗ chở khách du lịch Trung Quốc. Nhiều người lễ mễ đồ đạc, khuôn mặt tỏ ra mỏi mệt sau chuyến đi dài, nhưng họ chưa được vào các cơ sở lưu trú để tắm táp, nghỉ ngơi, mà phải theo chân hướng dẫn viên vào các cửa hàng “bí mật”. “Tour 0 đồng” đã chính thức trở lại!

Anh L, một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực du thuyền trên vịnh Hạ Long, cho biết: “Thực chất không phải "tour 0 đồng" trở lại, bởi nó đã bao giờ mất đi đâu. Chẳng qua nó chỉ hoạt động cầm chừng hay rầm rộ mà thôi. Đây là thời điểm khách du lịch Trung Quốc đến Hạ Long nhiều nhất”.

img

Hàng đoàn xe trên 45 chỗ chở khách du lịch Trung Quốc đến khu du lịch Bãi Cháy vào trưa 29.3. (Ảnh:Nguyễn Quý)

Thực tế, một số cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc từng bị dừng hoạt động nhiều lần, nay mở cửa trở lại dưới tên mới. Theo khảo sát, hiện nay, trên địa bànTP.Hạ Long có 15 cửa hàng phục vụ khách du lịch Trung Quốc được cấp phép hoạt động. Những cửa hàng này luôn có người cảnh giới, khách Việt và người lạ bị chặn lại không cho vào.

Theo nguồn tin của Dân Việt, hiện tại đã có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc phản ánh về việc họ bị mua hàng giả tại Hạ Long. Các mặt hàng này chủ yếu là đồ trang sức, mĩ nghệ...

Các cửa hàng “chỉ dành cho người Trung Quốc” này chính là điểm mấu chốt để công ty lữ hành gỡ gạc, kiếm lời từ "tour 0 đồng". Bởi các công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách du lịch với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, thậm chí là 0 đồng. Khách chỉ phải trả tiền vé máy bay hoặc xe khách, còn tiền ăn ở, tham quan được miễn phí. Sau đó, họ “kết nối” với doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có giấy phép đón khách quốc tế, đưa khách đi đâu, vào cửa hàng nào đều do các doanh nghiệp này quyết định.

img

Khách Trung Quốc xếp hàng kẹt cứng để ra thăm hang Luồn, vịnh Hạ Long. (Ảnh:Nguyễn Quý)

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, nhận định, Trung Quốc là một thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh. Năm 2017, tổng thu từ khách Trung Quốc đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động.

“Bên cạnh kết quả tích cực, hoạt động du lịch từ thị trường này vẫn có những tồn tại, như một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, cắt chất lượng dịch vụ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng; có dấu hiệu của việc hoàn thiện và hợp thức hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách; một số dịch vụ, cơ sở bán hàng chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá, ngoại hối, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...”, ông Thủy thông tin.

Về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: "Khách du lịch đi tour giá rẻ đến các nước sở tại thì họ vẫn phải sử dụng các dịch vụ của các nước sở tại. Chính vì vậy các nước sở tại vẫn thu được lợi nhuận từ đối tượng khách này. Bản chất tour giá rẻ chính là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp của các nước đưa khách đến và doanh nghiệp của nước đón khách. Từ đó, hiệu quả kinh doanh là việc của 2 doanh nghiệp với nhau, còn lại các dịch vụ, hoạt động đón khách du lịch vẫn mang lại lợi ích cho nền kinh tế của quốc gia đón khách".

Theo tìm hiểu, ngành thuế Quảng Ninh đã áp giá sàn 1,5 triệu đồng/khách/tour để tính thuế, số tiền này thu được vài năm, đến nay, cơ bản thất thu vì các công ty có trụ sở tại Quảng Ninh đã “biến mất”, trong khi các công ty ngoại tỉnh không bị áp mức giá sàn này.

img

Nhiều ngả đường TP.Hạ Long xuất hiện tốp đông khách du lịch người Trung Quốc. (Ảnh:Nguyễn Quý)

Ngoài ra, cũng theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, tổng số tiền thuế mà 15 điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP.Hạ Long nộp năm 2017 là 936 triệu đồng. Con số này theo nhiều người quan sát là quá thấp so với mức doanh thu “khủng” của các điểm bán hàng trên.

Như vậy, câu hỏi đặt ra không phải là tiền thuế có bị thất thu hay không, mà là nhiều hay ít? Làm sao để lấp kín những “kẽ hở” để một số doanh nghiệp không thể lợi dụng?

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, nhìn nhận: "Ngoài các giải pháp thường xuyên như tuyên truyền, khuyến cáo khách du lịch, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát doanh thu của các điểm dịch vụ du lịch, trên cơ sở đó có biện pháp quản lý phù hợp".

“Hoạt động lữ hành có tính chất biên giới như Quảng Ninh rất cần một cơ chế đặc thù để quản lý, vì vậy chúng tôi mong muốn các cấp ngành cho phép chúng tôi có một cơ chế đặc thù, phù hợp. Cơ chế này UBND tỉnh Quảng Ninh đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét”, ông Thủy nói.