Tại đây, các đội viên sẽ tham gia xử lý tình huống điển hình thường phát sinh trên thực tế trước khi chính thức được bầu làm phó chủ tịch.
Đội viên Ngô Bá Doanh (quê ở Yên Hưng, Quảng Ninh) tốt nghiệp ĐH Công đoàn, đang thực tập tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chia sẻ: “Về xã, chúng tôi có 1 tuần để tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và quy hoạch phát triển của huyện, tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn, các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa…
Các đội viên chuẩn bị tư trang đi thực tế tại địa phương. |
Sau đó, các đội viên sẽ có 4 tuần thực tế tại xã để tiếp cận thực tế hoạt động của các đoàn thể nhân dân ở xã, tham gia tổ chức cuộc họp của hội đồng nhân dân xã, đi thực tế tại các thôn, xóm, nắm bắt các phương thức sản xuất, tập quán canh tác để đưa ra các biện pháp xóa đói, giảm nghèo của từng thôn, xóm”.
Đàm Thị Thủy (khoa Công nghệ thông tin, ĐH Thái Nguyên) cũng đang đi thực tế ở Hà Quảng nói: “Sau 5 tuần đi thực tế, chúng em phải có bản thu hoạch, đề xuất, kiến nghị đối với cấp ủy, chính quyền xã về việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để phát huy lợi thế của từng địa phương trong việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững”. Có thể hiểu, bản thu hoạch này gần như là “kế hoạch hành động” của mỗi đội viên trên cương vị mới.
Ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) khẳng định, sau khi kết thúc kỳ thực tế, các đội viên sẽ trải qua vòng sát hạch, đánh giá kết quả học tập và thực tập trước khi tiến hành làm quy trình, thủ tục bầu và phê chuẩn chức danh phó chủ tịch xã. Nếu bản “kế hoạch hành động” tốt, thuyết phục được bà con thì các đội viên sẽ làm việc thuận lợi, hiệu quả.
Trước đó, các đội viên đã có thời gian 6 tuần tập trung học bồi dưỡng kiến thức chung về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở xã như pháp luật, pháp chế, phương pháp tổ chức, thực hiện chức trách cũng như chức năng, nhiệm vụ và những kỹ năng cần thiết đối với một phó chủ tịch UBND xã… Sau đó là 5 tuần làm việc, ăn ở, sinh hoạt ở vùng thực hiện dự án. Đây là bước “thử lửa” cho mỗi đội viên, để họ xác định quyết tâm của mình đi làm việc ở những nơi gian khó nhất.
Ngô Xuân